Vì sao điểm chuẩn học bạ nhiều trường vượt 30/30?
Năm 2022, Học viện Ngoại giao dành 67% chỉ tiêu mỗi ngành để xét tuyển bằng học bạ THPT. Đối tượng xét tuyển là thí sinh có điểm trung bình 3/5 học kỳ THPT (tùy chọn từ lớp 10, 11 và kỳ I lớp 12) từ 8 trở lên; thuộc một trong các nhóm: đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên; là học sinh trường chuyên; có chứng chỉ ngoại ngữ.
Theo thông báo ngày 20/7, điểm chuẩn học bạ hầu hết ngành từ 30 trở lên. Ngành Truyền thông quốc tế (tổ hợp C00: Văn, Sử, Địa) lấy tới 32,18, còn lại phổ biến 30-31. Mức này là tổng điểm trung bình ba môn trong ba học kỳ theo tổ hợp (tối đa 30) và điểm ưu tiên.
Tuy nhiên, điểm ưu tiên ở đây không chỉ là tối đa 2,75 (ưu tiên đối tượng và khu vực) theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mà còn bao gồm một số điểm rất lớn theo quy định riêng của trường, dựa trên thành tích học sinh giỏi, chứng chỉ quốc tế. Các mức quy đổi được cộng dồn, cao nhất có thể lên tới khoảng 30 điểm.
Như vậy, thang điểm xét tuyển bằng học bạ không còn dừng lại ở 30 mà lên tới 60, đồng nghĩa thí sinh không nhất thiết phải đạt 9-10 điểm trung bình cộng mỗi môn ở bậc THPT mới có thể trúng tuyển. Với 8-8,5 điểm mỗi môn, là học sinh trường chuyên, có chứng chỉ IELTS và giải học sinh giỏi cấp tỉnh, các em cũng có thể đỗ vào trường.
Không chỉ Học viện Ngoại giao, nhiều đại học khác cũng áp dụng cộng điểm ưu tiên, khuyến khích theo quy định riêng vào công thức tính điểm xét tuyển học bạ.
Như Đại học Ngoại thương, ngoài tổng điểm trung bình cộng ba môn trong tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy chế của Bộ, thí sinh được cộng tối đa 4 điểm nếu có giải học sinh giỏi quốc gia. Với cách tính đó, năm ngành của trường này đào tạo tại Hà Nội và hai ngành tại TP HCM lấy điểm chuẩn 30-30,5.
Đại học Văn hóa Hà Nội có ngành Báo chí, Luật, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành lấy 30,5 điểm ở tổ hợp C00, Ngôn ngữ Anh 37 ở tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) và D01 (Toán, Văn, Anh), nhiều ngành khác lấy mức 29-30. Mức này cũng đã bao gồm 4-10 điểm ưu tiên theo quy định riêng của trường, áp dụng với các thí sinh có giải học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên, có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, là học sinh hệ chuyên hoặc từng có tác phẩm đăng báo.
Trưởng phòng Đào tạo một trường đại học ở Hà Nội cho hay việc cộng điểm ưu tiên, khuyến khích theo quy định riêng là lý do chính khiến mức điểm chuẩn xét tuyển học bạ vượt mốc tối đa (30 điểm).
Theo ông, các trường đưa ra các quy định riêng này nhằm củng cố chất lượng đầu vào của thí sinh xét tuyển bằng học bạ. Thay vì chỉ dựa vào đánh giá của giáo viên trong trường THPT, các trường có thêm cơ sở xem xét thí sinh nhờ những chứng chỉ quốc tế hay các thành tích được ghi nhận bởi các cấp cao hơn như giải học sinh giỏi.
Tuy nhiên, việc cộng dồn nhiều điểm ưu tiên từ các tiêu chí khác bên ngoài học bạ khiến "mức điểm trúng tuyển trở nên vô lý khi mới nhìn vào". "Tôi nghĩ cũng vì cách tính điểm này, sẽ có những em học bạ toàn 9-10 nhưng vẫn bị trượt. Điều này có thể dẫn đến tâm lý và dư luận không tốt", chuyên gia tuyển sinh này nhận định.
Thí sinh làm thủ tục thi tốt nghiệp THPT tại trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận, TP HCM) chiều 6/7. Ảnh: Quỳnh Trần
Dù cho rằng điểm chuẩn học bạ "cao không tưởng" do cách tính điểm của mỗi trường, chuyên gia này cũng chỉ là thực tế "điểm học bạ của học sinh đẹp hơn trước, đặc biệt trong bối cảnh chương trình, cách kiểm tra đánh giá giảm tải do Covid-19; trong khi chỉ tiêu cho phương thức này ở một số trường không nhiều". Như ở Đại học Văn hóa Hà Nội, 70% trong số 1.535 chỉ tiêu vẫn xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Chỉ 30% xét bằng ba phương thức khác, trong đó có xét học bạ kết hợp quy định riêng của trường.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhìn nhận việc đánh giá, cho điểm học sinh tại nhiều trường THPT không còn chuẩn mực, khiến kết quả của các em không thực chất. Điều này góp phần khiến điểm chuẩn học bạ tăng lên, ngay cả ở những trường không cộng điểm ưu tiên theo quy định riêng.
Như Đại học Giao thông vận tải, dù chỉ cộng điểm trung bình ba năm THPT của ba môn trong tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên theo quy định của Bộ, có ngành lấy tới 28,37, Tài chính - Marketing (TP HCM) 29, Công nghiệp Hà Nội 29,38, Sư phạm Kỹ thuật TP HCM 29,75. Mức này đồng nghĩa nếu không có điểm cộng ưu tiên đối tượng, khu vực (tối đa 2,75 điểm), thí sinh phải đạt khoảng 9,5-9,9 điểm trung bình mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển.
Mức này chỉ rơi vào một số ngành "hot", chỉ tiêu xét bằng học bạ ít, nhưng vẫn phần nào cho thấy sự "dễ dãi" trong việc cho điểm học bạ ở bậc phổ thông.
Ông Vinh khẳng định tình trạng cho điểm "dễ dãi" không phải bây giờ mới có mà tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, từ năm 2020, khi Covid-19 khiến học sinh cả nước phải học trực tuyến, điểm thi tốt nghiệp THPT cao hơn, số lượng đại học sử dụng điểm học bạ để tuyển sinh ngày càng nhiều. Trước cái lợi mà một bảng điểm học bạ đẹp mang lại, các trường và cả học sinh đều tìm cách "làm đẹp". Ông bày tỏ sự e ngại trước việc nhiều giáo viên chấm điểm "theo kiểu tăng trọng", "vỗ béo" thành tích cho học sinh.
Ông Vinh cho rằng về mặt lý thuyết, những học sinh có học lực giỏi ở bậc THPT sẽ có nhiều khả năng thành công tại đại học. Tuy nhiên, nếu học sinh được chấm cao hơn thực lực, hệ quả nguy hiểm sẽ được tạo ra. "Điều này không chỉ gây bất bình đẳng trong giáo dục mà còn làm hỏng chính sách đào tạo nhân lực chất lượng cao của Đảng và Chính phủ", ông nói.
Bên cạnh đó, chuyên gia này nhận định việc nâng điểm còn ảnh hưởng đến xu hướng chọn trường của thí sinh. Không ít em lầm tưởng lực học của bản thân, bất chấp để vào đại học thay vì học nghề để nắm bắt cơ hội có việc làm cao hơn. "Khi chọn sai, các em và xã hội lãng phí thời gian, tiền của, ảnh hưởng tới tương lai", ông Vinh chia sẻ.
Về lâu dài, TS Vinh cho rằng các đại học nên sử dụng các tiêu chí phụ như phỏng vấn, viết luận... để xét tuyển cùng điểm học bạ. Hiện, nhiều trường vẫn áp dụng các yêu cầu bắt buộc với thí sinh xét học bạ như phải là học sinh trường chuyên, có chứng chỉ ngoại ngữ, chuẩn hóa quốc tế... Tuy nhiên, ông Vinh nhấn mạnh không nên biến các yêu cầu này thành tiêu chí để cộng điểm, tạo khoảng cách lớn giữa các thí sinh, đồng thời khiến điểm chuẩn tăng vọt.
Dù vậy, ông Vinh cũng đánh giá các đại học top giữa và dưới sẽ gặp nhiều khó khăn để thực hiện những biện pháp này. "Lọc thí sinh thì mất nguồn thu, mà nguồn lực tài chính của các trường này thường không mạnh nên chưa có biện pháp khắc phục", ông nói và cho rằng đây là câu chuyện nhân lực, không còn cách nào khác là các trường phải tự ý thức, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cho thị trường lao động.
Dương Tâm - Thanh Hằng
Tags: điểm chuẩn học bạ điểm xét tuyển bằng học bạ điểm chuẩn tăng vọt tuyển sinh đại học 2022 Tin nóng