Uy tín nghề báo trước thách thức thời đại
Thời gian qua, những đóng góp to lớn của báo chí trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và góp phần thúc đẩy xã hội phát triển văn minh, tiến bộ là không thể phủ nhận. Phần đông người làm báo vẫn tâm huyết nuôi dưỡng, duy trì “lửa nghề” theo đúng tinh thần “phụng công, thủ pháp”, không thiên lệch, không “bẻ cong” ngòi bút vì mục đích, lợi ích cá nhân. Đặc biệt, trong đợt cao điểm dịch Covid-19, đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí luôn thể hiện rõ bản lĩnh nhà báo - chiến sĩ, xông pha tác nghiệp ở những nơi khó khăn, gian khổ và nguy cơ lây nhiễm rất cao, góp phần cổ vũ, động viên các lực lượng làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch.
Ngoài ra, báo chí còn phát hiện, tuyên truyền, cổ vũ những tấm gương cao cả, những việc làm tình nghĩa, góp phần nhân lên những cái tốt, cái đẹp, cái hay trong cộng đồng; tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Những việc làm đó được Đảng, Nhà nước ghi nhận, nhân dân đánh giá cao. Đó cũng là “nét son” làm nên uy tín của báo giới nước nhà.
Đã có rất nhiều nhà báo viết về những mặt tích cực và tiêu cực của đời sống xã hội. Và, thực tế cũng cho thấy những bài báo hay, có giá trị, đều là sản phẩm của những nhà báo đã từng lăn lộn với thực tiễn cuộc sống, không sợ gian khổ, hi sinh và có trách nhiệm với bài viết của mình. Sự hời hợt và thói vô trách nhiệm không thể tạo ra được những tác phẩm báo chí có giá trị.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi mà đồng tiền có thể đánh gục những ngòi bút thiếu bản lĩnh, khi mà nhiều nhà báo bị kỷ luật, tước thẻ vì vi phạm đạo đức nghề nghiệp, thì chữ “tín” được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Có giữ được chữ “tín” với nghề, nhà báo mới tạo được được niềm tin với công chúng và góp phần dẫn dắt dư luận xã hội theo hướng tiến bộ, văn minh.
Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ thông tin do tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, công chúng có thể tiếp cận nhiều kênh, nhiều luồng thông tin khác nhau. Nhưng cũng ngay lúc này, nhiệm vụ của báo chí không những không nhẹ nhàng đi, mà thậm chí còn nặng nề hơn. Điều đó đồng nghĩa rằng, xã hội càng phát triển thì vai trò xã hội của báo chí cũng càng phong phú, đa dạng. Bởi báo chí chính là yếu tố kích thích, thúc đẩy xã hội phát triển, và ngược lại, xã hội phát triển, sẽ lại đặt ra cho báo chí những yêu cầu và nhiệm vụ tương ứng.
Tạo dựng uy tín tốt đẹp, bền vững
Trên thực tế, những năm qua, những người làm báo đều nhận thức được rằng trung thực không chỉ là phẩm chất quan trọng của nhà báo mà còn là đạo lý làm người. Nghề báo, một nghề đòi hỏi sự trung thực và tôn trọng sự thật. Tính quá đà, “tô hồng và bôi đen” trong báo chí là điều hết sức nguy hiểm và tối kỵ với nghề báo.
Thời gian qua, cũng đã có những cây bút từng tạo ra “bút lực” hấp dẫn khiến đồng nghiệp và công chúng mến mộ, nhưng do bị cám dỗ, mua chuộc nên đã tự biến mình thành kẻ “thân bại danh liệt”. Một số tờ báo từng có năm tháng “nổi đình nổi đám” trên trường báo chí, nhưng do bị cuốn theo “cơn lốc” thương mại hóa, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả mà tự làm mờ dần “tên tuổi” của chính mình trong lòng bạn đọc.
Ông Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Hà Nội cho biết, những năm gần đây, cùng sự đổi mới đất nước, báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa, góp phần nâng cao nhận thức nhân dân, bồi đắp nền tảng tinh thần xã hội. Đặc biệt, môi trường kinh tế - xã hội tạo động lực cho báo chí phát triển rộng mở, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, sự xuất hiện của mạng xã hội, phương tiện truyền thông mới khiến thị phần nhiều cơ quan báo suy giảm. Một bộ phận thỏa hiệp tính trung thực để đạt mục đích kinh tế.
Đối với người làm báo, giữ được chữ “tín” với công chúng là cơ sở bảo đảm cho ngòi bút của mình trở nên có “uy lực” trong xã hội. Vì thế, mỗi nhà báo chú trọng chăm lo tạo dựng uy tín tốt đẹp, bền vững cho mình là cách góp phần bồi đắp, tăng cường uy tín cho cơ quan báo chí. Khi tất cả các cơ quan báo chí cùng chung tay góp sức xây dựng uy tín nghề nghiệp, sẽ góp phần thiết thực giữ gìn, nâng cao uy tín cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Nhận thức rõ việc cần giữ uy tín của nghề báo trước thách thức thời đại, phóng viên Thanh Thúy (Báo Dân trí) cho rằng: “Để làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, báo chí và người làm báo cần nâng cao nhận thức chính trị, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Đồng thời, nhanh chóng đổi mới nhiệm vụ để thông tin không chỉ đúng mà còn hay, sinh động, hấp dẫn. Nếu nhà báo không ý thức đầy đủ trách nhiệm trong việc sử dụng ngòi bút thì báo chí sẽ trở thành “con dao nhọn” đối với xã hội và đối với bản thân”.
Đã đến lúc, đội ngũ những người làm báo phải có những hành động, việc làm thiết thực để củng cố, tăng cường niềm tin của xã hội vào báo giới, nỗ lực “lấy lại thương hiệu cho những người làm nghề báo”. Hơn bao giờ hết, ngoài việc nâng cao, trau dồi năng lực chuyên môn, nhà báo còn phải rèn giũa bản thân, giữ vững đạo đức nghề nghiệp. Đó là một trong những điều kiện tiên quyết, đảm bảo xây dựng được uy tín của nghề báo trong xã hội.
Làm tốt nghề đã khó, giữ uy tín còn khó gấp vạn lần. Công cuộc xây dựng lại niềm tin không diễn ra trong một sớm một chiều, đó là quá trình tạo dựng lâu dài. Trong đó, mỗi nhà báo phải nêu cao tinh thần tự trọng nghề nghiệp, chuẩn mực trong tác nghiệp, cẩn trọng trong mỗi tin, bài, cháy bỏng ngọn lửa yêu nghề... Đó chính là những sợi chỉ đỏ xuyên suốt cả cuộc đời làm báo.
Trong năm thứ 98 trên chặng đường phát triển của mình, báo chí Việt Nam đang đứng trước những đòi hỏi mới, đặc biệt là việc thích nghi với những hoàn cảnh tác nghiệp khó khăn hơn, yêu cầu thông tin nhanh hơn, chính xác và hấp dẫn hơn. Vượt qua những thách thức, báo chí Việt Nam đang không ngừng hoàn thiện để mang tới công chúng những tác phẩm chất lượng, giàu sức chiến đấu, song cũng đầy tính nhân văn, góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Ngọc Vy
Tags: người làm báo đạo đức người làm báo báo chí việt nam chuyện nghề báo