Trung Quốc: Phát hiện melamine trong kẹo sữa
Công ty đã cung cấp những sản phẩm nhiễm chất độc này tới hơn 12 tỉnh và thành phố tại Trung Quốc, theo trang báo mạng chinanews.com.
Melamine là chất được phát hiện lần đầu tiên trong sữa công thức dành cho trẻ em ở Trung Quốc năm 2008. Vụ việc mới đây nhất là một đòn đánh mạnh vào lòng tin của người tiêu dùng tại đất nước đông dân nhất thế giới này.
Giám đốc một nhà máy ở Quảng Đông đã bị tạm giam sau khi vụ việc được phát hiện, mở màn cho một cuộc điều tra khác về an toàn thực phẩm.
Người tiêu dùng Trung Quốc đang quay cuồng trong vòng xoáy của hàng loạt những vụ bê bối sức khỏe cộng đồng đến từ thực phẩm và thuốc trong những năm gần đây, bao gồm sữa công thức chứa melamine, dầu ăn “bẩn”tái chế và vắc xin nhiễm bẩn.
Hồi đầu tháng 7, các phóng viên điều tra bí mật đã cho biết công nhân tại một nhà máy thuộc tập đoàn OSI, chuyên cung cấp thịt cho các thương hiệu thức ăn nhanh quốc tế, đã sử dụng thịt quá hạn và thay đổi hạn ngày sản xuất thực phẩm.
Phát hiện của họ sau đó đã được các thanh tra vệ sinh thực phẩm của Thượng Hải xác nhận.
Sau đó Tập đoàn OSI có trụ sở tại Mỹ cho biết sẽ thu hồi toàn bộ các sản phẩm được sản xuất tại nhà máy ở Thượng Hải khỏi thị trường. Nhà máy này cung cấp thịt cho rất nhiều chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh nổi tiếng ở khắp khu vực Đông Á.
Chưa rõ liệu có bao nhiều kẹo sữa bị nhiễm melamin đã được bán ở Quảng Đông.
Đã có 6 trẻ tử vong và gần 300.000 trẻ mắc bệnh trong vụ bê bối sữa bột nhiễm melamine. Chất này được thêm vào sữa chất lượng thấp hoặc sữa pha loãng để làm tăng mức protein một cách giả tạo.
Nhưng những người theo đuổi việc kiện tụng hoặc bảo vệ quyền lợi của con em họ đã bị cản trở bởi các luật sư được thuê và thường xuyên trở thành mục tiêu chỉ trích của chính phủ.
Trẻ em có nguy cơ cao nhất
Guo Caihong, có con bị bệnh do sữa bột trẻ em nhiễm melamine, cho rằng vụ bê bối này là một mối đe dọa nữa cho sức khỏe trẻ em Trung Quốc.
"Kẹo sữa chua thường được trẻ em ăn, thế mà họ cho melamine vào đó để tăng “hàm lượng” protein”, Guo nói. “Tôi thực sự lo ngại về an toàn thực phẩm ở Trung Quốc”.
Một phụ huynh khác có con bị ảnh hưởng bởi scandal melamine, Chen Lu, cho rằng chính phủ hơi lơ là trong việc giám sát ngành công nghiệp thực phẩm, mặc dù đã có vô số bê bối xảy ra.
Chen cho biết con trai cô vẫn bị sỏi thận sau khi uống sữa nhiễm melamine.
“Cháu vẫn đau nhiều vài ngày trong tháng qua, và không đi tiểu được, tôi đã cho cháu dùng thuốc - và kết quả cho thấy có lượng cặn lớn trong nước tiểu của cháu”, cô tâm sự.
“Bệnh của cháu không giống như sỏi thận bình thường, có thể tan đi nhờ thuốc. Nó tạo thành những viên sỏi lớn hơn nhiều rất khó trôi ra ngoài”.
“Một đòn đánh nữa vào lòng tin”
Theo bình luận viên chính trị Qing Lang, lòng tin của người tiêu dùng đã bị một đòn giáng nặng nề bởi những tiết lộ gần đâu xung quanh dây chuyền cung cấp thực phẩm cho một loạt thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng, vốn được xem là sạch và an toàn hơn ở Trung Tuốc.
“Nếu ngay cả đồ ăn nhanh của thương hiệu nước ngoài cũng gặp vấn đề và không còn đáng tin cậy, thì đó là một đòn mạnh nữa giáng vào niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc”, Qing viết.
Thực tế OSI là một công ty hoàn toàn của Mỹ chứ phông phải công ty liên doanh với Trung Quốc cũng khiến người tiêu dùng hết sức lo ngại.
“Nếu thậm chí nhân viên của một tập đoàn đa quốc gia mà cũng được phổ biến rằng thịt quá hạn không gây nguy hiểm, thì đó là điều không thể chấp nhận được với người tiêu dùng Trung Quốc”.
Cẩm Tú
Tổng hợp