Săn việc ở nước ngoài: Kinh nghiệm từ 200 đơn xin thực tập, 20 email từ chối
Lúc đó, Trần Đức Nhật Quang cảm tưởng đó là “cú trượt dài”, “tận cùng của sự tuyệt vọng”.
“Tôi rơi vào trạng thái 'apply' điên cuồng vào những tháng cuối học kỳ. Ngành học chính là Quan hệ công chúng, nhưng tôi ứng tuyển vào rất nhiều vị trí. Ưu tiên là Gaming & PC industry, nhưng tôi liên tục bị Logitech, NVIDIA, Corsair… từ chối”.
Sau nhiều tháng xin việc ròng rã, Quang nhận được cái gật đầu từ Gigabyte - tập đoàn công nghệ Đài Loan (Trung Quốc) chuyên sản xuất và phân phối phần cứng máy tính, trụ sở ở Mỹ. Theo Quang, đó là phần thưởng của quá trình “làm thật nhiều, thực tập thật nhiều, kết nối thật nhiều”.
Trần Đức Nhật Quang hiện làm việc tại tập đoàn công nghệ Gigabyte. Ảnh: NVCC
Một điều quan trọng khác, Quang cho rằng, những công ty, startup lớn sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh không nhỏ. Do vậy, nhân sự cần thực tế hơn, thay vì mộng mơ, màu hồng. Bởi lẽ, không phải cứ điểm GPA cao, trường đại học danh tiếng sẽ đưa bạn đến vị trí việc làm tốt.
Theo Quang, rất nhiều ứng viên dù không tốt nghiệp các trường top đầu như Ivy League nhưng những trải nghiệm, dự án cá nhân và kinh nghiệm nghiên cứu trước đó đã thuyết phục được nhà tuyển dụng.
“Quả thực, kinh nghiệm thực chiến còn quan trọng hơn cả GPA. Du học sinh cần trang bị càng nhiều kinh nghiệm thực tiễn càng tốt. Thậm chí, đó có thể là những công việc không đem lại thu nhập, nhưng những giá trị tích lũy được sẽ là hành trang quan trọng giúp họ có thể chinh chiến ở bất kỳ 'mặt trận' nào”.
Không bỏ cuộc
Tương tự, kinh nghiệm thực chiến cũng là yếu tố quan trọng để các nhà tuyển dụng để mắt tới hồ sơ ứng tuyển của Kiều An Huy (sinh năm 2000). Huy đã bắt đầu công việc kỹ sư phần mềm mảng bảo mật tại Meta từ tháng 6 vừa qua.
Trước đó, ngay từ năm thứ nhất, Huy đã đặt mục tiêu sẽ thực tập ở các công ty lớn như Google, Facebook. Kiều Huy đã nộp đơn ứng tuyển các vị trí thực tập dành cho học sinh năm nhất như Google STEP Internship và Facebook University Internship.
Hè năm thứ nhất, Huy quyết định về Việt Nam thực tập tại một công ty startup, thực tập ở FPT vào mùa hè năm thứ hai. Cậu nộp đơn đến hơn 200 công ty, nhận hơn 50 cuộc phỏng vấn cho hè năm thứ ba và cuối cùng nhận được lời mời thực tập của công ty Equinix ở thung lũng Silicone. Quá trình này, với Huy là “dài nhất mà em từng trải qua”.
Việc từng thực tập ở Mỹ trên hồ sơ cũng giống một tấm vé ưu tiên khi Huy bắt đầu nộp đơn xin việc sau khi tốt nghiệp.
"Tỉ lệ được nhận phỏng vấn của em tăng cao đột biến và hồ sơ của em đã thu hút được sự chú ý của các nhà tuyển dụng ở những công ty lớn” - Huy chia sẻ.
Mùa thu 2021, Huy từng nhận được lời mời phỏng vấn từ Google, SnapChat, Robinhood...
Hồi tháng 3, Huy cùng lúc nhận được thư thông báo trúng tuyển vào làm kỹ sư phần mềm của Meta, Microsoft và Oracle khi đang là sinh viên năm cuối ngành Khoa học máy tính Trường Wooster (Mỹ).
Kiều An Huy trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: NVCC
Sau hơn 3 năm tìm cơ hội thực tập và việc làm, Huy rút ra 5 bài học. Đó là: Phải luôn định vị được bản thân; Không bao giờ bỏ cuộc; Không bao giờ được chủ quan; Đôi khi một cánh cửa đóng lại là để ta được đi qua một cánh cửa tươi sáng hơn; Thành công không phải ngày một ngày hai mà là một quá trình.
Chia sẻ kinh nghiệm với những bạn trong ngành kĩ thuật nói chung và ngành công nghệ nói riêng muốn tìm cơ hội ở các công ty công nghệ lớn, Huy cho biết đương nhiên, kĩ năng chuyên môn là nhân tố chính yếu.
“Điểm cộng là việc bạn tích cực tìm kiếm thực tập hoặc dành thời gian xây dựng một dự án công nghệ nào đó trong những kì nghỉ. Bên cạnh đó, kĩ năng giao tiếp là chìa khoá để chúng ta có thể mở ra cánh cửa thành công. Các công ty đều cần tuyển một người đa kỹ năng chứ không tuyển một thần đồng lập trình nhưng không thể giao tiếp bình thường với bất cứ ai”.
Tags: học sinh du học sinh du học sinh tìm việc