Rượu săm ôtô: Đệ tử lưu linh thất kinh bỏ nhậu
Rượu đựng xăm xe như lợn con nằm ven đường
Làng nghề nấu rượu gạo, rượu sắn truyền thống mang tên Đ.L có từ hàng trăm năm nay. Những ngôi nhà cấp 4 nằm chon von trên con đường đê sống trâu gồ ghề của xã Đ.L (Bắc Ninh).
Dọc sống đê chừng hai cây số, có khoảng chục những kho rượu được dựng lên. Dưới cái nắng chang chang của tháng 7, người ta phải phủ bạt cho những dãy thùng phuy đang xếp hàng dưới nắng. Con đường đê thêm chật hẹp vì người dân địa phương phơi thóc lúa dọc hai bên đường, chen với những thùng rượu bày nhấp nhổm.
Theo quan sát, một thùng phuy nhựa (to cỡ thùng phuy vẫn dùng để đựng xăng dầu) dung tích hàng trăm lít. Mùi cồn làm cho cái nắng trưa thêm gay gắt. Con đường thiếu bóng cây càng thêm ngột ngạt. Tưởng chừng, nếu xoè tay bật lửa ga cũng khiến không khí bị đốt cháy vì lý do mùi cồn trong không khí quá đậm đặc.
Dừng chân bên một điểm đóng rượu ở ven đường để hỏi thăm tìm mối để "đánh hàng" về mở quán nhậu, người đàn ông đang mải mê đóng rượu từ những chiếc phuy đựng rượu sang những "túi" khác được làm bằng... săm ô tô, nhiệt tình: mua gốc 6.000 đồng/lít. Về bán lẻ, có thể ăn lãi gấp 2-3 lần/lít.
Công nghệ chế rượu không khói
Chúng tôi ngạc nhiên đến sững sờ: thiết bị "đóng, cất" rượu của người đàn ông này là một chiếc xô được gò bằng kim loại. Chiếc xô này sẽ vục vào những phuy rượu đang mở tung nắp, được tuồn sang những "túi săm ô tô" qua một cái phễu to đang được gắn với miệng túi cao su kia.
Một xô vục xuống thùng múc lên được khoảng chục lít. Một chiếc túi săm ô tô, nếu "no căng", có thể chứa được từ 10-15 xô, tương đương với 100 lít.
Tò mò, tôi dừng lại ghé mắt quan sát phuy đựng rượu: phuy "rượu" trong vắt, in rõ bầu trời xanh thăm thẳm bên trên. Mùi cồn xộc thẳng vào mắt, vào mũi cay xè. Tưởng như, nếu không nhịn thở, cúi đầu vào phuy rượu đó chừng 15 phút, chắc chắn cũng có thể "lăn quay" vì say mà chưa kịp uống!
Trên nền đường, ngay cạnh địa điểm đang "đong" rượu, cả chục chiếc săm ô tô "no căng" đang được xếp thành một dãy dài, đen sì như một đàn "lợn rừng" vừa ăn no xong, đang nằm ngủ.
Theo lời kể của người đàn ông đang đóng rượu, rượu được vận chuyển bằng xe tải đưa đi khắp các tỉnh, chứ không riêng gì Hà Nội. Khi chúng tôi nghi ngờ về sản lượng rượu quá lớn và tại sao lại đựng rượu bằng thùnh phuy, người đàn ông quả quyết: 100% là rượu nấu. Mỗi ngày, mỗi lò nấu rượu hết công suất 24/24, sẽ nấu được chừng trên dưới bốn chục lít rượu.
Chính sự quả quyết của người đàn ông này đã "giải mã" những bán tín bán nghi của chúng tôi về câu chuyện mà anh bạn "chỉ điểm" trước khi lên đường về Đ.L: mỗi một kho rượu chứa cả trăm thình phuy. mỗi thùng phuy đựng cả trăm lít rượu. tính ang áng, lên tới cả ngàn lít rượu, không có lò rượu nào có thể sản xuất ra công suất ngần ấy được!
Người ta đã từng nói về công nghệ rượu không khói ở Đ.L bằng công thức: "cồn + nước lã + hương liệu". Theo đó, cồn được cho vào thùng phuy, đổ nước lã vào đó theo tỷ lệ, cùng với hương liệu có sẵn theo các mùi cụ thể.
Thước đo mực nước để có được tỷ lệ nhất định, đó là một chiếc sào có khắc vạch, hoặc cũng có thể dùng chiếc đòn gánh để đo mực nước. Và, cũng chính cái "thước" này, sẽ là dụng cụ để khuấy tan cồn, nước, hương liệu thành dung dịch có tên là... rượu.
Sự xuất hiện của những "lò rượu không khói" đã dần giết chết những lò rượu truyền thống, vì không thể bằng phương pháp thủ công đánh lại được công nghệ chế rượu hiện đại kiểu đó.
Những "lò" rượu trụ lại được đến thời điểm bây giờ, chỉ khoảng chục lò và nằm rải dọc trên đoạn đường đê chừng 1-2 cây số. Nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên cũng bắt nguồn từ những phuy rượu như thế.
Theo Thái Bình
Vef