Nữ tiến sĩ trẻ đam mê nghiên cứu vật liệu nano y sinh
Hiện, chị là Phó Trưởng ban Nghiên cứu, Đổi mới và Chuyển giao công nghệ kiêm giảng viên khoa Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano. Nữ tiến sĩ sinh năm 1986 thực hiện song song nhiệm vụ quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Vốn ngưỡng mộ nghề giáo, chị quyết định theo học Đại học Sư Phạm Hà Nội. Sau tốt nghiệp chuyên ngành Vật lý, chị Thu tiếp tục con đường học vấn với bằng Thạc sĩ Vật lý chất rắn và du học tại Đại học Paul Sabatier (Toulouse, Pháp) theo chương trình Tiến sĩ Khoa học Vật liệu. Năm 2014, nữ tiến sĩ trở về làm giảng viên của Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) và tham gia nghiên cứu các công trình khoa học liên quan đến vật liệu nano y sinh.
TS. Vũ Thị Thu kể lại, ban đầu, chị chỉ muốn chuyên tâm đi dạy vật lý. Tuy nhiên, sau đó, chị quyết định nghiên cứu thêm về lĩnh vực hóa sinh khi gia đình có nhiều người bị ung thư. Nữ tiến sĩ đồng hành cùng quá trình điều trị bệnh và nhận thấy có nhiều vấn đề trong y học còn "bỏ ngỏ".
"Đó là bước ngoặt để tôi học tiếp về ngành khoa học vật liệu ứng dụng trong y sinh và nghiên cứu như bây giờ", chị nói thêm.
TS. Vũ Thị Thu - giảng viên trẻ của USTH. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thời điểm mới từ Pháp trở về USTH công tác, chị gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp, chị dần làm quen với môi trường mới. Bên cạnh giảng dạy, chị vẫn duy trì nghiên cứu khoa học để trau dồi, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, cập nhật các tiến bộ mới để không trở nên "tụt hậu".
Hướng nghiên cứu của TS. Thu tập trung vào ứng dụng vật liệu nano y sinh trong cải tiến hoạt động của cảm biến giúp cho việc đo đạc nhanh và hiệu quả hơn. Hiện, chị nghiên cứu cải tiến cảm biến trong các lĩnh vực: y tế sức khỏe (chẩn đoán bệnh, phát triển thuốc), môi trường (độc tố có trong môi trường nước như kim loại nặng, thuốc trừ sâu, vi khuẩn) và an toàn thực phẩm (nấm mốc trong ngũ cốc, thuốc trừ sâu trong rau củ quả).
TS. Thu làm việc trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Mới đây, nhóm nghiên cứu của TS. Thu đã chế tạo thành công cảm biến phát hiện nhanh thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản. Thiết bị có kích thước nhỏ gọn, khoảng 1x3 cm, cho ra kết quả trong 10-30 phút, phù hợp với nhu cầu sử dụng của hộ gia đình hoặc các siêu thị.
Cảm biến khắc phục được một số nhược điểm của phương pháp truyền thống như nhiều thao tác, tốn thời gian..., đồng thời, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhiều người Việt khi ngày càng quan tâm và ý thức cao hơn đến vấn đề an toàn thực phẩm.
Trong thời gian tới, TS. Vũ Thị Thu dự kiến sẽ chế tạo hoàn chỉnh những cảm biến có kích thước nhỏ, nhẹ và có khả năng dính trên da, gia tăng tính tiện lợi cho người dùng.
Song song với nghiên cứu, TS. Thu luôn đảm bảo tốt nghiệm vụ giảng dạy để truyền lửa đam mê khoa học cho những thế hệ sau. Theo chị, ngành Khoa học Vật liệu tiên tiến và Công nghệ nano vốn đặc thù với khối lượng kiến thức đồ sộ, khó hình dung, đặt ra nhiều thách thức cho người học. Để biến những thông tin phức tạp trở nên đơn giản và gần gũi với sinh viên, giảng viên cần có kỹ năng truyền tải tốt.
Với TS. Vũ Thị Thu, đây thực sự là thử thách trong quá trình giảng dạy. Chị luôn cố gắng cô đọng, chọn lọc kiến thức có tính ứng dụng cao nhất với mỗi sinh viên, giảm tải linh hoạt, tránh tình trạng ôm đồm. Song song, chị điều chỉnh hình thức học tập, phương pháp thi cử theo từng nhóm sinh viên.
"Tuy nhiên, điều cốt lõi nhất vẫn là sự chân thành trong truyền đạt, đồng thời, nắm bắt tâm lý sinh viên, khuấy động không khí giờ học, tránh nhàm chán", TS. Thu nhấn mạnh.
TS. Thu trao đổi về lĩnh vực nghiên cứu khoa học với sinh viên. Ảnh: Nhân vật cung cấp
TS. Thu luôn có ấn tượng sâu sắc sau mỗi lần hướng dẫn sinh viên thực hiện nghiên cứu và luận án tốt nghiệp thành công. Chị coi đó là niềm vui lớn của bản thân trên vai trò người dẫn dắt. Qua đó, nữ giảng viên cũng tự hoàn thiện bản thân, có thêm sự nhẫn nại, thấu hiểu sinh viên hơn.
Hơn 10 năm làm nghiên cứu song song kết hợp giảng dạy, TS. Vũ Thị Thu giữ quan điểm người làm nghề phải liên tục nghiên cứu, nâng cao chuyên môn mỗi ngày. Với sự thay đổi không ngừng của tri thức khoa học công nghệ, nếu dừng lại một khoảng thời gian ngắn, nhà nghiên cứu có thể sẽ quay về vạch xuất phát.
"Hãy kiên trì với con đường mình chọn dù khó khăn hay suôn sẻ. Đừng nghĩ nghề cho mình cái gì mà hãy làm được gì cho nghề này trước. Cứ cống hiến, bạn sẽ nhận lại thành quả xứng đáng", nữ tiến sĩ nói thêm.
Thiên Minh
Tags: Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội USTH nghiên cứu tiến sĩ