Những trận tập kích muối mặt của đặc nhiệm Mỹ (P6)
Sau khi bài binh bố trận và đưa lực lượng đặc nhiệm vào vị trí sẵn sàng, nhận thấy lực lượng bảo vệ của tướng Aidid tại khu nhà quá đông, chỉ huy chiến dịch quyết định sử dụng hỏa lực từ trên không để quét sạch các ổ đề kháng.
Ngay lập tức, trực thăng Hổ mang AH-1 phóng hàng loạt tên lửa chống tăng TOW vào tòa nhà hai tầng để khiến lực lượng phòng thủ choáng váng, tạo điều kiện cho khoảng 120 đặc nhiệm Delta và biệt kích Ranger đu dây từ trực thăng Ó Đen nhảy xuống nóc tòa nhà.
Một nhóm đặc nhiệm Mỹ tham gia chiến dịch
Sau hàng loạt tiếng nổ của tên lửa, tiếng súng bắt đầu rộ lên, và đường phố xung quanh khu vực đó tràn ngập dân thường hoảng sợ đang nhốn nháo tìm cách chạy đi tìm chỗ nấp. Chỉ vài phút sau, những con phố này lại trở nên vắng lặng không một bóng người qua lại.
Trong khi biệt kích Ranger làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài xung quanh tòa nhà, đặc nhiệm Delta được lệnh tiến vào bên trong để bắt giữ Aidid cùng những đối tượng khác được cho là đặc biệt quan trọng.
Sau khi lùng sục khắp tòa nhà này, đặc nhiệm Mỹ bắt được tổng cộng 24 tù binh, nhưng không ai trong số đó là tướng Aidid. Hóa ra tình báo Mỹ đã bị mắc lừa ngay từ đầu, bởi tướng Aidid không hề có mặt trong cuộc họp này, và cả đặc nhiệm lẫn biệt kích Mỹ đang phải trả giá cho sai lầm đó.
Trực thăng Ó Đen bay trên bầu trời Mogadishu
Sau khi nghe tiếng nổ phát ra từ tòa nhà, phiến quân lập tức bao vây khu vực mà quân Mỹ đang tấn công. Chỉ trong vài phút, những con phố đang vắng lặng bỗng tràn ngập những chiến binh Somalia mang theo vũ khí hối hả dồn về phía tòa nhà nơi đặc nhiệm Mỹ đang lùng sục.
Cuộc chiến ác liệt diễn ra trên từng góc phố. Sau khi dính nhiều đòn đau từ hỏa lực trực thăng của Mỹ, phiến quân Somalia đã rút được kinh nghiệm và bắt đầu sử dụng súng phóng lựu bắn tới tấp lên 3 chiếc trực thăng Ó Đen đang lơ lửng trên bầu trời.
Một quả đạn súng phóng lựu bắn trúng đuôi chiếc trực thăng Ó Đen, khiến chiếc máy bay chao đảo tại chỗ và đâm sầm xuống một ngôi nhà ở bên dưới khiến hai phi công chết tại chỗ.
Lính Mỹ cố gắng cứu nhau sau khi chiếc trực thăng Ó Đen bị bắn rơi
Phiến quân Somali ngay lập tức vây lấy khu vực máy bay rơi và bắn chết một số lính đặc nhiệm của Mỹ. Quân đội Mỹ mất ưu thế đánh nhanh rút nhanh và phải dồn sức cứu các binh sỹ bị thương ngày một nhiều.
Nhiệm vụ quan trọng với quân Mỹ lúc này là vừa phải vận chuyển đối tượng bắt được và binh sỹ rút lui, vừa phải cứu các phi công và binh sỹ của chiếc máy bay trên. Trong quá trình di chuyển tới nơi máy bay bị rơi, biệt kích Mỹ chịu hỏa lực dữ dội của dân quân Somali.
Một chiếc Ó Đen khác lập tức bay tới chỗ máy bay rơi và thả dây để cho đặc nhiệm đu xuống bảo vệ hiện trường. Tuy nhiên, nó bị một khẩu súng phóng lựu bắn trúng và bị hư hại nặng và rơi xuống, khiến viên phi công bị phiến quân bắt sống.
Dân Somalia đổ ra vây lấy chiếc trực thăng bị bắn rơi
Còn trên mặt đất, đoàn xe quân sự chở bộ binh cũng mở hết tốc lực để chạy tới hiện trường ứng cứu giữa làn hỏa lực súng tiểu liên và súng phóng lựu của phiến quân. Quân Mỹ đáp trả lại bằng súng trường, súng máy hạng nặng nhưng không mang lại nhiều hiệu quả.
Thương vong bên phía quân Mỹ bắt đầu tăng lên sau khi các xạ thủ súng máy trên nóc những chiếc xe bọc thép Humvee lần lượt trúng đạn. Những lớp kính chống đạn và giáp bảo vệ xe bắt đầu bị hư hại nghiêm trọng vì bị phiến quân bắn vào ở cự ly gần.
Trong khi đó, tại khu vực tòa nhà, thấy các lực lượng mặt đất chưa kịp tới cứu chiếc trực thăng thứ hai bị rơi, 2 lính bắn tỉa của Lực lượng Delta là Garry Gordon và Randy Shugart đã xung phong đổ bộ từ trực thăng xuống yểm trợ đồng đội. Tuy nhiên, vì quân địch quá đông, hai đặc nhiệm này đều thiệt mạng.
Chỉ huy chiến dịch xin được chi viện bằng hỏa lực súng máy của trực thăng, nhưng do tình trạng quân và dân Somali lẫn lộn, nên ý đồ này không thể thực hiện được. Trong khi tìm cách tiếp cận nơi máy bay rơi, 99 thành viên của đội đặc nhiệm bị kẹt lại giữa thành phố Mogadishu trong đêm tối.
Họ không có thiết bị nhìn ban đêm nên đành nằm im để chờ cứu viện, trong khi nhiều thương binh không được chữa trị kịp thời vì hết thuốc men. Sau đó, thêm một máy bay Ó Đen bị trúng đạn khi tìm cách bay vào trung tâm Mogadishu để thả đạn dược, thuốc men cùng nước uống cho toán quân mắc kẹt.
Lính Mỹ nép sát tường nhà dân để tránh làn đạn của phiến quân
Tệ hại hơn, đoàn xe bộ binh còn đi sai đường, và hậu quả là quân Mỹ lại phải thiết lập một chiến tuyến mới ở một hướng khác. Mỹ đã phải yêu cầu cả lực lượng gìn giữ hòa bình của Pakistan và Malaysia đóng gần Mogadishu sử dụng xe tăng, xe bọc thép đến giải cứu.
Cuối cùng, đoàn xe bộ binh của Mỹ cũng tiếp cận được với tòa nhà nơi đặc nhiệm Mỹ đang giữ tù binh. Những tù binh này sau đó được đưa lên những chiếc xe tải đang chờ sẵn giữa làn đạn của phiến quân, trong khi thương vong của cả đặc nhiệm Delta lẫn biệt kích càng lúc càng tăng lên.
Trong hoàn cảnh hiểm nghèo đó, đoàn xe vội vã tìm đường rút lui khỏi thành phố với một số binh sĩ phải chạy bộ vì trên xe không đủ chỗ. Họ được lệnh phải đến bằng được nơi chiếc máy bay Ó Đen bị rơi ở cách đó 3 dãy phố để bảo vệ những người bị thương.
Sau khi cứu những người bị thương ở đây, họ lại được lệnh di chuyển tới địa điểm nơi chiếc trực thăng thứ hai rơi, trong khi những cuộc đấu súng trên từng góc phố vẫn nổ ra dữ dội.Trong khi các binh sĩ chạy bộ đến được nơi chiếc trực thăng rơi, đoàn xe quân sự lại phải chạy vòng vèo và cuối cùng rơi vào ngõ cụt.
Trong một nỗ lực tuyệt vọng, chỉ huy chiến dịch phải ra lệnh cho đoàn xe này nhanh chóng rời khỏi thành phố để cứu lấy những gì còn có thể cứu, bỏ mặc những người đang bị mắc kẹt bên trong phải tự thân vận động để cứu lấy mình trong khi chờ đợt tiếp viện thứ hai.
Xác lính Mỹ bị kéo lê trên đường phố Mogadishu khiến cả nước Mỹ ám ảnh
Trận đánh kéo dài từ chiều ngày 3/10 đến rạng sáng ngày 4/10 mới kết thúc. Sau khi chiến dịch giải cứu kết thúc, quân Mỹ và lực lượng cứu viện rút được hết khỏi Mogadishu dưới làn đạn của đối phương.
Trận đánh làm lực lượng Mỹ thiệt mạng 19 lính, trong đó có 6 lính biệt kích Delta, 84 bị thương và một binh sỹ bị bắt. Mỹ còn mất hai chiếc trực thăng Ó Đen bị bắn rơi tại chỗ và một chiếc bị thương, một chiếc xe tải bị trúng đạn.
Tuy đạt được mục đích là bắt được một số phiến quân, song thương vong mà lực lượng đặc nhiệm và biệt kích của Mỹ phải gánh chịu trong chiến dịch này là rất nặng nề, trong khi mục tiêu cao nhất là bắt sống tướng Aidid thì không đạt được, và đây chính là cái giá phải trả cho những thông tin không chính xác của tình báo Mỹ.
Trận chiến Mogadishu với hình ảnh lính Mỹ bị bắt, bị trói và xác họ bị kéo lê trên đường phố trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với quân đội và người dân Mỹ, và Somali trở thành một “chiến trường quỷ ám” đối với quân Mỹ, khiến Mỹ phải nhanh chóng ra lệnh rút quân khỏi Somalia.