Những ấn tượng về Thổ Nhĩ Kỳ trong mắt cô gái Việt
Ninh Linh, sinh năm 1995, người Hải Dương, chọn Thổ Nhĩ Kỳ là nơi đầu tiên để xuất ngoại sau dịch bệnh. Cô đi tour với giá 32 triệu đồng, là một trong hai tour đầu tiên của người Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ sau dịch bênh. Với giá tiền này, Linh đánh giá là "rẻ và phải tranh thủ cơ hội". Chuyến đi diễn ra cuối tháng 4, kéo dài một tuần, đủ để Linh ấn tượng với nhiều điều ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Ninh Linh, một trong những du khách Việt Nam đầu tiên sang Thổ Nhĩ Kỳ qua tour sau dịch bệnh,
Điều ấn tượng đầu tiên của Linh về Thổ Nhĩ Kỳ là những người bán hàng luôn gọi bất kỳ người châu Á nào là "China?" (Người Trung Quốc phải không?). Kỷ niệm đáng nhớ của cô là được một người bán hàng chìa khay hạt ra mời ăn sau khi Linh giới thiệu mình là người Việt Nam. Sợ bị chèo kéo, Linh từ chối nhưng chàng trai vẫn đi theo, mời liên tục. Cảm thấy hơi sợ, Linh đành đồng ý ăn thử một miếng và khen ngon. Người bán hàng mỉm cười cảm ơn, sau đó lập tức quay trở về cửa hàng, đồng thời nói "I love Vietnam" (Tôi yêu Việt Nam). Lúc đó, cô mới thở phào vì hóa ra chàng trai có lòng tốt, song Linh vẫn lưu ý du khách nên luôn đề phòng, nghi ngờ để tránh mọi sự cố trên đường du lịch.
Linh bất ngờ khi Thổ Nhĩ Kỳ trồng nhiều cam, cây nào cũng trĩu quả, to mọng. Thời điểm Linh tới, quán ăn nào cũng bày biện cam nguyên trái trước cửa, biến đường phố trở nên sinh động hơn khi phủ một màu cam đẹp mắt. "Giá rất rẻ, tính theo tiền Việt một cốc 6 quả cam có giá 60.000 đồng, ngọt lịm mà không cần đường", Linh nhận xét.
Thổ Nhĩ Kỳ bao phủ trong màu cam.
Điều thú vị so với Việt Nam là người bán cam hay bất kỳ người bán hàng trên đường phố đều là đàn ông, vì họ cho rằng kỹ năng bán hàng của họ khéo léo hơn phụ nữ. Những người đàn ông này đều mặc sơ mi phẳng phiu, thậm chí complet rất lịch sự, vuốt keo bóng loáng, tỉa râu gọn gàng. Họ có nhiều "mánh khóe" để lôi kéo, như cho mượn mũ, mượn áo chụp đồ, thử nhiều loại kẹo bánh... nhưng vẫn khiến khách hàng hài lòng.
Nói về nghệ thuật bán hàng, Linh cũng kể lại một trải nghiệm mua sắm thú vị tại đây. Khi đi thăm nhà máy sản xuất đồ da, Linh nghĩ đơn giản là thăm công xưởng làm đồ và xem các sản phẩm. Ngờ đâu, khi đến nơi, cô và cả đoàn được chào đón bằng loại trà đặc sản của Thổ. Phòng đầu tiên bước vào là một sàn catwalk, tuy nhỏ nhưng chứa được khoảng 40 người. Sau khi âm nhạc, ánh sáng nổi lên, người xem có cảm giác bị cuốn vào một show diễn thời trang nổi tiếng giống trên TV. Những du khách được người mẫu nắm tay mời lên sàn diễn thử đồ, đi catwalk và được tán dương. Show diễn kết thúc, du khách bước vào một cánh cửa, bên trong là căn phòng rộng với nhiều mẫu mã quần áo khác nhau. "Đảm bảo, du khách nào cũng bị mê hoặc bởi chiêu thức bán hàng thỏa mãn đa giác quan như thế này", Linh nói.
Đến Thổ Nhĩ Kỳ, Linh ngạc nhiên còn là việc nhà thờ có ở khắp nơi. Biết đất nước vốn nổi tiếng với những công trình nhà thờ Hồi giáo đẹp, song Linh vẫn bất ngờ về mật độ. "Khoảng một km lại thấy một nhà thờ. Ngay cả ở những khu công nghiệp tồi tàn, nhà thờ cũng được xây dựng cầu kỳ theo nguyên tắc tầng giật cấp hướng lên với hệ thống mái vòm và bán vòm, được bao quanh bảo những ngọn tháp hình dáng giống bút chì", Linh mô tả.
Những chú mèo ở khắp các đường phố, được người dân đem hạt cho ăn.
Ngoài ra, một điểm đáng yêu là chó mèo ở khắp nơi, nằm sưởi ấm ở khắp các con phố. Người dân lúc nào cũng có sẵn hạt và bánh mì để mang cho chúng ăn, song đường phố vẫn sạch sẽ. Người Thổ Nhĩ Kỳ rất thích ngồi bàn ngoài vỉa hè khi đi ăn nhà hàng vì muốn sưởi nắng và ngắm đường phố.
Về ẩm thực, ấn tượng của Linh là người ở đây phân biệt vị rất rõ ràng, món nào mặn rất mặn, ngọt lại rất ngọt. "Mình từng ăn một món rất nhạt, như salad là rau đảo đều với nhau, vắt thêm tí chanh, không có gia vị nào nữa", Linh mô tả. Một điều thú vị là các loại sốt ở Thổ Nhĩ Kỳ đều chua, cô bất ngờ khi ăn mực tẩm bột rán chấm sốt từ sữa chua.
Đồ nướng của Thổ Nhĩ Kỳ ngon vì là thịt nguyên vị được ướp muối rồi nướng lên. Họ không ăn thịt lợn nên các bữa ăn chỉ có bò, cừu, gà. Pizza hình thuyền là món ăn ấn tượng, đế mỏng, thơm mùi thịt nướng, gia vị nêm vừa vặn. Linh cũng được trải nghiệm ăn sữa chua hoa anh túc, vị khá đặc biệt.
Đi khắp Thổ Nhĩ Kỳ theo tour, Linh ấn tượng nhất với Pamukkale, nơi có cánh đồng cỏ rộng bao la và phía trên đồi là thành phố cổ Hierapolis hay "lâu đài Bông" tựa tiên cảnh.
Linh check-in tại lâu đài Bông, thực chất là nơi có những hồ bơi khoáng tự nhiên hình bậc thang.
Cô cũng được đến Cappadocia, thực hiện ước mơ bay cùng hàng trăm chiếc khinh khí cầu cùng một lúc. Thời tiết lạnh hơn so với những khu khác ở Thổ Nhĩ Kỳ vì trên núi. Linh cũng lưu ý du khách chỉ có hai lựa chọn: hoặc là bay khinh khí cầu, hoặc ở dưới chụp ảnh với khinh khí cầu, không thể chọn cả hai vì các khinh khí cầu sẽ cùng bay lên và cùng hạ xuống.
Sau chuyến đi, Ninh Linh vẫn hơi tiếc vì chưa có nhiều thời gian ở lại Cappadocia hay Istanbul để ngắm đường phố nhiều hơn. Lần sau nếu có dịp trở lại, cô sẽ chọn đi tự túc để chủ động hành trình hơn, thử "nghiêm chỉnh" bánh mì doner kebab của người Thổ.
Trung Nghĩa
Tags: du lịch Thổ Nhĩ Kỳ dấu chân Thổ Nhĩ Kỳ