Nhận lương nghìn đô, xuất ngoại làm việc dù chưa cầm bằng tốt nghiệp
Một cô nàng sinh năm 92, đi làm việc chính thức từ khi chưa ra trường, rồi xuất ngoại công tác sau khi rời ghế nhà trường chỉ khoảng 3 tháng… có thể nói, đó đã là những thành công đáng kể, nhất là trong bối cảnh cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp và ngay lập tức thất nghiệp như hiện giờ.
“Khi đi onsite, nhân sự được cử đi sẽ được nhận hai lần lương: vừa được nhận lương như khi làm việc ở nhà, đồng thời nhận thêm trợ cấp onsite khoảng 1.500 USD/tháng.”– My chia sẻ. Ngoài mức đãi ngộ tốt cho một tân kỹ sư vừa tốt nghiệp, My kể bạn còn coi cơ hội được đi onsite như là cơ hội tốt để học hỏi các kĩ năng, kinh nghiệm làm việc cũng như mở rộng thêm nguồn khách hàng cho công ty.
Cơ duyên để Hữu My có được vị trí hiện tại bắt nguồn từ giai đoạn thực tập bắt buộc tại doanh nghiệp mà trường bạn áp dụng với 100% SV. “Năm 3 đại học, 100% sinh viên FPT phải bước ra doanh nghiệp làm việc và làm như một nhân viên thật với các yêu cầu và bài toán thật; rất bận rộn và áp lực, nhưng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm”, My bật mí nguồn cơn bạn có cơ hội “ghi điểm” và rồi lọt vào mắt xanh của công ty.
Nghiễm nhiên trở thành nhân viên chính thức, có mặt trong đội onsite chuẩn bị xuất ngoại sang Mỹ, Hữu My kể: “Có lúc em cũng căng thẳng lắm!” Được nhận vào làm khi chưa ra trường, lại trùng với thời gian làm đồ án tốt nghiệp, My đã phải “cân” một khối lượng công việc khá lớn: Xoay sở với lịch học trên trường, với kiến thức, bài tập cho đồ án, đồng thời đảm bảo được chất lượng và tiến độ công việc trên công ty.
Vậy mà, cô bạn vẫn hoàn thành xuất sắc đồ án, đoạt loại Giỏi, và vẫn giữ vững phong độ ở nơi làm việc. Bằng chứng là “thành quả” của hiện tại. Bí quyết gì giúp My làm được những điều này?
Theo My, khi còn là sinh viên, cô bạn đã được trang bị rất nhiều những yếu tố thuận lợi để có thể làm việc tốt. Trong đó, đáng kể nhất là khả năng sử dụng ngoại ngữ (tiếng Anh và tiếng Nhật). Đây cũng là yếu tố then chốt giúp các sinh viên như My luôn đứng đầu trong danh sách được cử đi nước ngoài làm việc. Ngoài ra, các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm... được học ở trường cũng giúp ích rất nhiều cho bạn trong quá trình làm việc thực tế. Yếu tố then chốt cuối cùng là những kiến thức, kỹ năng chuyên ngành.
“Học ở ĐH, mình đã có đầy đủ những cơ hội, điều kiện thuận lợi nhất để đạt những thành quả tốt nhất trong lĩnh vực mình đã chọn. Tận dụng tối đa những lợi thế ấy, nỗ lực hết sức, cố gắng hết mình, như câu nói “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” - My chia sẻ “bí quyết” thuận lợi trong công việc.