"Ít người vừa điên vừa ngu như Trác Thúy Miêu"
"Tôi biết rằng phản ứng của mọi người sẽ rất quyết liệt"
- Là nhà báo chủ yếu viết về mảng thời trang, lý do nào chị nhận lời mời tham gia một chương trình liên quan đến âm nhạc như BHYT?
Ngoài mảng thời trang, tôi đã từng có thời gian dài viết báo về những đối tượng làm về văn hoá, văn nghệ. Tại sao lại ngồi ở vị trí đó? Tôi cảm thấy mình có một lợi thế hơn những người khác, ví dụ như nhạc sĩ Nguyễn Cường chẳng hạn, vì tôi là một thính giả, tôi nghe nhạc một cách hồn nhiên mà không 1 nhạc sĩ, ca sĩ nào có được. Đó là lợi thế của tôi so với giới học thuật. Còn lợi thế của tôi so với các thính giả khác, là tôi biết nói, tôi biết cách kiểm soát mình theo ý mình muốn trước ống kính, đó không phải là điều mà khán giả nào cũng làm được.
- Lúc nhận lời mời tham gia BHYT, chị có từng nghĩ rằng mình sẽ bị phản ứng dữ dội không?
Biết chứ, tôi biết mình là người như thế nào, tôi biết rằng phản ứng của mọi người sẽ rất quyết liệt.
- Mục đích chị đội chiếc nón giống như chị đã chia sẻ là để tránh "đá" từ dư luận. Vậy hôm qua lúc chị đội lên chị có thấy mình “tránh” được nhiều “đá” không?
Không. Ý nghĩa đầu tiên của chiếc nón là "Ôi tôi phải hứng đá nhiều, tôi sợ quá, tôi đội mũ để trêu cười quý vị đây". Nhưng nó còn là một phép thử của tôi với dư luận. Khi tôi xuất hiện lần thứ 2 trong chương trình BHYT, mọi người hi vọng rằng tôi sẽ "chặt chém" nhạc sĩ Nguyễn Cường hoặc BTV Quang Minh, nhưng tôi nghĩ rằng mình sẽ không làm vậy nữa, mọi người không thích.
Khi tôi đội chiếc mũ bảo hiểm đấy, tôi đã tự đánh cược với mình rằng dư luận chọn phản ứng với điều tôi nói hay thứ tôi đang đội để tôi có thể đánh giá được mức độ trưởng thành của số đông dư luận. Hiệu ứng ồ ạt này khiến tôi không hề ngạc nhiên, tôi đã đoán trước được rằng họ sẽ "nhảy xổ" vào cái nón.
Hình ảnh Trác Thúy Miêu đội mũ bảo hiểm để "né đá" khiến nhiều người theo dõi BHYT bất ngờ
- Chị cảm thấy như thế nào, mặc dù chị đã đoán trước được phản ứng ấy rồi?
Tôi buồn. Và tôi ý thức được rằng là dư luận đang nói bằng hệ ngôn ngữ của thị giác. Theo bạn trong sự phát triển của con người, lứa tuổi nào thì phát triển mạnh nhất về thị giác?
- Cấp 1?
Trước đó. Bạn có nhớ các bé mầm non vẫn thường được dạy về màu sắc không? Đó chính là mức độ "tiến hoá" của khán giả hiện nay. Chúng ta cứ hay than vãn rằng ca sĩ bây giờ không lo hát, chỉ lo ăn mặc thật sexy hay là tập trung cho vũ đạo đến hụt hơi, rồi lại hát nhép. Nhưng độ tuổi mầm non thì chỉ ăn bột, ăn cháo thôi chứ làm sao mà ăn cao lương mĩ vị được. Đó cũng là lý do vì sao những nỗ lực sáng tạo của âm nhạc Việt Nam, của các nhạc sĩ trẻ dù họ có đi đúng hướng, họ có nỗ lực đến mấy đi chăng nữa thì tác phẩm cũng không sống lâu được. Chúng ta đang thiên về cái nhìn, không chỉ trong lĩnh vực giải trí mà trong cả truyền thông, thông tin đưa đến ta.
"Anh Hoàng Tuấn nói ít lại thôi"
- Từ khi chương trình BHYT tuần trước lên sóng, chắc hẳn chị đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều. Ý kiến nào khiến chị buồn nhất?
Tôi chỉ thất vọng thôi, không có câu nói nào khiến tôi buồn nhất cả, chỉ buồn đều thôi.
- Chị suy nghĩ như thế nào về phản ứng của ông bầu Hoàng Tuấn?
Anh Tuấn là một nhà quản lý có tài, nhưng anh Tuấn không phải là một phát ngôn viên giỏi cho ca sĩ. Anh ấy là một nhà quản lí có tâm tới mức độ anh cá nhân hóa vấn đề, và đấy chính là lúc mà anh thiếu chuyên nghiệp nhất – anh không được quyền lên tiếng.
Bo (ca sĩ Đan Trường - pv) và anh Hoàng Tuấn đang bị mâu thuẫn vị trí. Anh Tuấn không có quyền lên tiếng và không giỏi nói thì lại đi nói; Bo không giỏi rap thì lại đi rap. Khi anh tham dự hay anh quyết định cho ca sĩ của mình tham dự 1 chương trình, anh phải biết trước được rằng 3 cái ghế bình luận đó có ảnh hưởng tới lượt bình chọn hay không, hay anh đang tự ái? Tôi không tác động được đến số lượt bình chọn, không tác động được lên hội đồng, tôi ngồi đó cho vui thôi! Vậy là anh đang tự ái đúng không?
Cả Bo và anh Tuấn đều đang nhìn một người với ánh mắt: Cô ta là ai? Báo mạng có viết về cô ta không? Sao tôi google ko thấy? Góp ý luôn với Bo và anh Tuấn, chính vì phản ứng kém chuyên nghiệp mặc dù 2 anh làm việc rất có tâm, khiến cho thị trường âm nhạc của Đan Trường chỉ ở tầm đó thôi. Các anh máu lạnh hơn chút nữa đi, đây là thế giới giải trí mà.
Bo là một ca sĩ có khả năng tạo thiện cảm cho nhiều lứa tuổi từ Bắc tới Nam, vậy nên đừng cư xử như một đứa trẻ được nuông chiều quá hóa hư. Anh Tuấn nói ít lại thôi, Bo xứng đáng có một người phát ngôn chuyên nghiệp hơn.
Ông bầu Hoàng Tuấn phản ứng khi Trác Thúy Miêu chê Đan Trường: "Nếu những nhạc sĩ lớn có nhận xét về ca khúc này, tôi và Đan Trường lập tức xem lại mình có sai gì không. Người có chuyên môn như nhạc sĩ Nguyễn Cường đã dành cho Đan Trường nhiều sự ủng hộ. Còn đây là ý kiến của một người không có khả năng thưởng thức âm nhạc, không có giá trị gì."
- Chị suy nghĩ như thế nào về sự xuất hiện của mình ở BHYT?
Lần đầu tiên khi tôi xuất hiện ở BHYT, tôi và anh Lê Hoàng có đề xuất với nhạc sỹ Huy Tuấn là hãy cho phép chúng tôi tương tác, chứ ngồi như mấy cụ chiếu trên thì buồn lắm! Ý kiến của tôi đã được anh Huy Tuấn cho phép. Vô tình là màn tranh luận của tôi và anh Lê Hoàng lại trùng với ý tưởng của đạo diễn Việt Tú, đó là tăng tính tương tác đa chiều để làm sao mà không chỉ ở trên sân khấu mà ngay dưới hàng ghế khán giả đều là một bức tranh lập thể, đa sắc, đó mới là sức sống của chương trình.
Thế nhưng cuộc tranh luận đó lại gây xôn xao dư luận, cho nên BTC mới thuyết phục tôi tham gia số thứ 2 liên tiếp. Lý do tôi nhận lời, đó là vì thái độ rất “trượng nghĩa” của BTC, điều khá hiếm gặp khi hiện nay các chương trình thường để mặc cho nhân vật tự đối chọi với dư luận. Nhạc sỹ Huy Tuấn đã đứng ra và có tiếng nói đồng hành với tôi, sự xuất hiện của tôi ở lần thứ hai là cách mà BTC muốn khẳng định: chuyện xảy ra với Lê Hoàng không phải là một tai nạn, chúng tôi muốn điều đó, và đấy cũng không phải là bản sắc riêng của Trác Thúy Miêu mà là của bất kỳ ai.
Nhiều người phàn nàn là BHYT đa trường phái quá, nhạc gì cũng có. Nếu vậy thì tiếng nói ở dưới vọng lên cũng nên như thế. Chúng ta có bao giờ thực sự dám cãi nhau cho ra hồn đâu, hay chỉ là ném đá? Tôi tin là BHYT sẽ tiếp tục đi theo hướng đó, dù đạo diễn Việt Tú bảo rằng ít người vừa điên vừa ngu như Trác Thúy Miêu, tôi hi vọng rằng các khách mời tham gia chương trình sẽ cởi mở hơn. Tôi biết nhiều nhạc sĩ, nhà báo rất có khẩu khí và chính kiến, nhưng áp lực của việc cùng ngồi song song với nhau và nhìn thẳng vào ống kính để nói khiến họ không còn sự tự nhiên.
"Showbiz cần một người như Lê Hoàng"
- Về cuộc tranh luận của chị với đạo diễn Lê Hoàng, nhiều người xem xong sẽ nghĩ chị và đạo diễn Lê Hoàng không ưa nhau ngoài đời. Chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến đó?
(Cười) Tôi không biết là anh Hoàng có không ưa tôi hay không. Tôi với anh Hoàng không thân với nhau, nhờ duyên làm việc chung ở chương trình BHYT mà gặp nhau rất nhiều lần. Tôi thấy anh Hoàng bất ngờ ở vai trò đạo diễn, và trên sân khấu rộng lớn của thế giới giải trí, anh Hoàng đã tìm được vai diễn cho mình và chung thủy đến tận cùng với vai diễn đó. Điều đó thật đáng nể.
Chúng ta có cả một làng Vũ Đại, chúng ta thiếu một ông Chí Phèo, một vai sinh ra để “ăn đá”, không ai dám nhận vai đó cả. Trong khi những vai khác đều muốn gây thiện cảm, muốn gây hài lòng với công chúng, thì Lê Hoàng dám làm điều ngược lại. Anh ấy làm và sống trung thành, trọn vai đến tận bây giờ.
Khi Lê Hoàng đưa ra một ý kiến khiến mọi người phản đối, một thứ tư duy sẽ tự động bật ra, nếu không nhờ Lê Hoàng thì những tư duy đó sẽ không bao giờ được phát ngôn. Vậy nên đừng quên vai trò của Lê Hoàng. Vai trò của anh ấy là vai trò cân chỉnh, chứ không phải là trọng tài. Đừng phát ngôn theo kiểu: Anh ngồi ghế nóng mà anh nói như thế à? Anh ấy không ngồi ghế nóng, anh ấy chỉ bắt đầu cho cuộc nói chuyện của quý vị. Tôi nghĩ showbiz cần một người như Lê Hoàng.
Cuộc tranh luận của nhà báo Trác Thúy Miêu và đạo diễn Lê Hoàng trong chương trình BHYT cũng gây sóng dư luận
- Sau buổi lên sóng hôm đấy, anh Lê Hoàng có nói gì với chị không?
Chương trình xong hai anh em còn đứng cãi chí chóe một lúc nữa, và tôi có cảm giác tốt về điều đó. Tranh luận là con đường giúp chúng ta đi từ những cái mù mờ ấu trĩ thành ngôn từ, và ngôn từ khi đó dẫu gay gắt hay mềm mại thì nó cũng là thành phẩm của cả một quá trình chắt lọc. Người ta bảo rằng: Cô Trác Thúy Miêu không được lớn tiếng! Khi tôi cần tôi sẽ lớn tiếng. Cô Trác Thúy Miêu không được thô lỗ như bà bán tôm bán cá! Khi tôi cần tôi sẽ bán cá giỏi hơn các chị em tiểu thương nào ngoài chợ. Vấn đề kiểm soát ngôn từ không phải là để cho nó nhẵn, mà là để cho nó nhẵn khi mình muốn hoặc không.
Cảm ơn những chia sẻ củaTrác Thúy Miêu, chúc chị ngày càng thành công hơn nữa trong sự nghiệp và cuộc sống!