Đường huyết trồi sụt, do đâu bác sĩ ơi?
Chào bạn,
Để kiểm soát tốt đường huyết, ngoài việc uống thuốc theo chỉ định của BS, chế độ ăn và tập thể dục rất quan trọng. Đường huyết lúc trồi lúc sụt là do bệnh nhân không tuân thủ chế độ ăn đúng.
Bản chất bệnh đái tháo đường là do đường (glucose) trong máu tăng cao. Do đó, nhiều bệnh nhân quan niệm chỉ có đồ ăn có vị ngọt mới không được ăn. Nhưng một trong những thực phẩm bệnh nhân đái tháo đường cần hạn chế là nhóm tinh bột.
Nhóm tinh bột khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành glucose (năng lượng) cho cơ thể. Một vài thực phẩm cần hạn chế: thực phẩm chế biến từ gạo, nếp (cơm, xôi, cháo, hủ tiếu, bún); thực phẩm từ bột (bánh mì, mì, các loại bánh…), một số loại củ (khoai lang, khoai mì, khoai tây…). Bên cạnh đó, các loại sữa cũng là nhóm thực phẩm cần hạn chế đối với bệnh nhân bị đái tháo đường. Trái cây dù ngọt hay chua đều có thể làm tăng đường huyết nếu ăn quá nhiều.
Hiệp hội ĐTĐ Mỹ và Cao đẳng Y học Thể thao Mỹ vừa đưa ra một hướng dẫn mới về tập thể dục cho bệnh nhân ĐTĐ. Hoạt động thể chất thường xuyên sẽ giúp bệnh nhân kiểm soát đường huyết, ngăn ngừa hoặc trì hoãn tiến triển của bệnh đái tháo đường týp 2; đồng thời cải thiện được lipid máu, huyết áp, tim mạch.
Bệnh nhân ĐTĐ týp 2 được khuyến cáo nên tập thể dục từ mức độ trung bình đến mạnh như aerobic. Bệnh nhân nên tập 150 phút mỗi tuần, rải cách đều 3 ngày/tuần. Hầu hết bệnh nhân không thể tập thể dục mạnh vì các vấn đề ở bàn chân và một vài bộ phận khác trong cơ thể. Đi bộ là bài tập tốt nhất cho bệnh nhân ĐTĐ.
Theo BS.CK2 Ngô Thế Phi
Sức khỏe và Đời sống