Dọa cắt khí đốt, Nga dùng chiến thuật 'khuấy bão trong tách trà'
Nga liên tục cảnh báo "khóa vòi" khí đốt tới châu Âu nếu không thanh toán bằng ruble, nhưng dòng chảy năng lượng vẫn tiếp diễn dù EU khước từ yêu cầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 31/3 ký sắc lệnh tuyên bố các quốc gia "không thân thiện" phải mở tài khoản ở ngân hàng Nga và thanh toán hợp đồng khí đốt bằng ruble. Ông nhấn mạnh tài khoản của đối tác ở ngân hàng Nga sẽ được dùng để thanh toán những lô khí đốt được cung cấp từ ngày 1/4, tức ngay ngày hôm sau, nếu không các hợp đồng hiện có sẽ bị tạm dừng.
Các nước bị Nga coi là "thiếu thân thiện" gồm Mỹ, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine.
Một tuần trôi qua, chưa có hợp đồng mua khí đốt nào của châu Âu bị đóng băng như lời đe dọa của ông Putin, dù các nước châu Âu kiên quyết khước từ yêu cầu thanh toán này, cho rằng nó vi phạm điều khoản hợp đồng đã ký.
Trong buổi họp báo ngày 1/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích rằng quy định này có thể "được thực hiện vào nửa cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5", không áp dụng với các lô hàng hiện tại. Đến ngày 5/4, ông Peskov lưu ý quá trình chuyển đổi thanh toán từ ngoại tệ USD và euro sang ruble nên diễn ra "theo quá trình" và cần được chuẩn bị kỹ lưỡng.
Nhà máy Năng lượng Siberia của Gazprom, nơi xử lý khí đốt khai thác ở vùng Viễn Đông nước Nga, vào tháng 11/2019. Ảnh: Reuters.
"Không có gì phải vội. Thay đổi sẽ diễn ra theo từng giai đoạn, hết sức cẩn thận, kèm những cân nhắc về thực tế tài chính và kinh tế trên thị trường toàn cầu. Dĩ nhiên chúng tôi không thể thay đổi đột ngột", ông nói.
Cùng với thông điệp trấn an, Điện Kremlin cũng để ngỏ cánh cửa bình thường hóa cách thức thanh toán hợp đồng cho những nước "không thân thiện" với Nga, kết thúc điều kiện thanh toán bằng ruble nếu tình hình thay đổi. "Với điều kiện hiện tại, ruble là lựa chọn ưu tiên và đáng tin cậy hơn cho chúng tôi", ông Peskov nói.
Giới chuyên gia và cả các tài phiệt Nga đã cảnh báo quyết định yêu cầu thanh toán khí đốt bằng ruble có thể là con dao hai lưỡi đối với Moskva. Tỷ phú Nga Vladimir Lisin từng nói rằng kế hoạch thanh toán bằng đồng ruble với các mặt hàng xuất khẩu có thể làm suy yếu vị thế của Nga trên thị trường toàn cầu.
Về dài hạn, nếu bán hàng bằng ruble, tập đoàn khí đốt Nga Gazprom sẽ rơi vào tình trạng không có ngoại tệ mạnh để thanh toán những khoản nợ nước ngoài hay tự mua trang thiết bị phục vụ sản xuất, theo Trung tâm Nghiên cứu Phương Đông tại thủ đô Warsaw của Ba Lan.
Quyết định lập tức "khóa van" khí đốt tới châu Âu cũng thiếu tính thực tế với Nga. Gazprom không thể đóng mỏ khai thác, khiến năng lực dự trữ của Nga sẽ nhanh chóng bị quá tải, trong khi nỗ lực chuyển hướng đường ống tới thị trường khác sẽ rất tốn kém và cần nhiều thời gian.
Giới phân tích cho rằng những lời đe dọa trong sắc lệnh của Tổng thống Putin nhiều khả năng chỉ là "đòn gió" nhằm bảo vệ các doanh nghiệp Nga và hỗ trợ cho đồng ruble hơn là biện pháp trả đũa lệnh trừng phạt của châu Âu.
Theo Jeffrey Schott, chuyên gia Viện Kinh tế Quốc tế Peterson của Anh, sắc lệnh của Tổng thống Putin thực chất nhằm bảo vệ tập đoàn Gazprom, khi quy định Gazprombank, ngân hàng của nhà cung cấp khí đốt này, là đầu mối để các đối tác châu Âu mở tài khoản thanh toán.
Gazprombank đến nay vẫn nằm ngoài danh sách trừng phạt tài chính của Mỹ cùng các đồng minh phương Tây, tạo điều kiện để Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục mua khí đốt của Gazprom. Khoảng 40% khí đốt và hơn 30% dầu mỏ nhập khẩu của EU đến từ Nga, với số tiền thanh toán hơn 400 triệu euro (khoảng 436 triệu USD) mỗi ngày.
Nếu Gazprombank được lựa chọn làm đơn vị thu tiền, EU không thể áp lệnh trừng phạt với ngân hàng này nếu muốn khí đốt tiếp tục chảy, Schott nói.
"Những đe dọa đó hóa ra chỉ là cơn bão trong tách trà", Jack Sharples, chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford của Anh, nhận định. "Bằng cách biến Gazprombank thành bên nhận tiền thanh toán khí đốt, Nga đang lắp thêm lá chắn chống trừng phạt cho ngân hàng này".
Tổng thống Nga Vladimir Putin chủ trì buổi họp chính phủ tại Moskva ngày 31/3. Ảnh: Reuters.
BBC dẫn lời một quan chức châu Âu nhận định rằng ông Putin muốn dùng lời đe dọa cắt khí đốt này để thăm dò quốc gia phương Tây nào sẵn sàng chấp nhận nhượng bộ trước nguy cơ không còn nguồn năng lượng quan trọng phục vụ sản xuất và nhu cầu sinh hoạt của người dân.
"Khi chứng kiến thái độ cứng rắn của phương Tây, Nga tìm cách chuyển sang một hệ thống khác để có thể tuyên bố rằng họ đã thắng trong cuộc đối đầu, trong khi hiện trạng gần như không có gì thay đổi", quan chức này đánh giá.
Bộ trưởng Chuyển đổi Sinh thái Italy Roberto Cingolani ngày 1/4 cũng nhận định yêu cầu mà ông Putin đặt ra không thay đổi quá nhiều về bản chất thanh toán giữa EU với Nga. Khách hàng mua khí đốt sau khi mở tài khoản ở Gazprombank vẫn có thể chuyển tiền bằng loại ngoại tệ đã quy định trong hợp đồng, sau đó ngân hàng này tự mua ruble và thanh toán với Nga.
"Mô hình ấy không thay đổi gì nhiều, nhưng ông Putin vẫn có thể tuyên bố châu Âu đang phải trả tiền khí đốt bằng ruble, trong khi EU tiếp tục thanh toán bằng euro", Cingolani phân tích.
Ngân hàng Trung ương Nga đã yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu nước này chuyển đổi 80% nguồn thu ngoại tệ sang ruble. Sắc lệnh của Tổng thống Putin giống như yêu cầu Gazprom chuyển hết ngoại tệ thu được sang ruble, tức tăng tỷ lệ quy đổi lên 100%.
Một số nhà phân tích nhận định sắc lệnh của ông Putin còn như một "cú hích" trong loạt biện pháp giải cứu đồng ruble sau khi giá trị đồng nội tệ Nga rơi xuống mức thấp kỷ lục vào ngày 7/3.
Ngân hàng Trung ương Nga không thể giải cứu đồng ruble theo cách thông thường là huy động dự trữ ngoại tệ, khi cơ quan này là một trong những mục tiêu trừng phạt đầu tiên của phương Tây. Mỹ, Anh và châu Âu chặn Nga tiếp cận hơn một nửa trong khoản dự trữ 600 tỷ USD ngoại tệ đang ký gửi ở các ngân hàng nước ngoài.
Bởi vậy, khi đề ra yêu cầu mua khí đốt bằng ruble, Nga kỳ vọng sẽ tạo ra nhu cầu gia tăng với đồng nội tệ, bởi các đối tác lớn của Gazprom thường không dự trữ lượng ruble lớn. Dự đoán về xu hướng tăng đó được cho là đã góp phần đẩy giá thị trường của đồng ruble tăng lên, ngang với mức trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Cùng với một loạt biện pháp kiểm soát tiền tệ, sắc lệnh của Tổng thống Putin còn giúp củng cố niềm tin trong thị trường đối với đồng tiền của Nga và kìm hãm tình trạng bán tháo, giúp ruble dần hồi phục.
Bởi vậy, giới phân tích cho rằng ngoài tính toán hỗ trợ đồng ruble và bảo vệ nguồn thu quan trọng của mình, Nga không thực sự có ý định cắt hoàn toàn khí đốt tới châu Âu. "Nếu quyết định cắt khí đốt cho đối tác lớn như vậy, Nga không khác gì tự bắn vào chân mình", các chuyên gia tại hãng nghiên cứu tài chính SEB nhận định.