Đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến báo cáo, trong những năm qua ngành Y tế Việt Nam cũng không ngừng phấn đấu đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Tại Diễn đàn Nhóm đối tác về Sức khỏe Bà mẹ trẻ em tại Nam Phi tháng 7 năm 2014, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là 1 trong 10 quốc gia trên thế giới thực hiện thành công Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 4 (giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi) và Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 5 (giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ). Một chính sách y tế khác được Đảng và Nhà nước Việt Nam quan tâm là mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, đặc biệt hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh yếu thế, người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi, đồng thời nâng cao khả năng tiếp cận và chất lượng khám chữa bệnh, cũng như phát triển đội nhân lực y tế chất lượng cao để từng bước xây dựng một nền y tế công bằng, hiệu quả và phát triển.
Bên cạnh đó, Ngành Y tế Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, như sự chênh lệch về tiếp cận dịch vụ y tế giữa các các vùng miền và khu vực dân cư, sự phân bổ chưa hợp lý các nguồn lực y tế, sự hạn chế về chất lượng dịch vụ y tế, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh mới nổi và tái xuất hiện, già hóa dân số, sự gia tăng gánh nặng bệnh tật các bệnh không lây nhiễm...
Thủ tướng Chính phủ cũng đánh giá cao những thành tựu trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân của Việt Nam. Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và đã hoàn thành nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về giảm nghèo, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, tỷ lệ tử vong ở trẻ em, cải thiện sức khỏe của bà mẹ. Công tác phòng chống dịch bệnh được tăng cường, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Đến nay Việt Nam đã có gần 3/4 người dân cả nước tham gia bảo hiểm y tế. Theo một số thống kê quốc tế, các chỉ số sức khỏe của người dân Việt Nam đạt tốt hơn so với nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Khẳng định những thành tựu đạt được là sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của Việt Nam, nhưng cũng không tách rời sự giúp đỡ quý báu của cộng đồng quốc tế; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, ủng hộ của các bạn bè, các tổ chức quốc tế, các quốc gia trong ASEAN và trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định, Việt Nam cũng như một số quốc gia thành viên ASEAN khác đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân. Nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng trong khi nguồn lực quốc gia còn hạn hẹp. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang có những tác động bất lợi tới sức khỏe của người dân. Nhiều bệnh lạ xuất hiện chưa tìm ra thuốc và cơ chế điều trị. Cơ cấu bệnh tật đang có nhiều thay đổi, tỷ lệ mắc một số bệnh hiểm nghèo ngày một tăng... Những khó khăn, thách thức đó đang đe dọa sự phát triển về chất lượng của nguồn nhân lực và tương lai, giống nòi của các quốc gia, dân tộc.
Theo đó, để xây dựng Cộng đồng ASEAN hướng tới người dân và vì người dân Việt Nam cần tăng cường hợp tác xây dựng mạng lưới bao phủ y tế toàn dân, bảo đảm cho mọi người dân đều dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng. Trước mắt cần ưu tiên cho những đối tượng dễ bị tổn thương, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, miền núi và hải đảo. Đồng thời cần tăng cường hợp tác phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt trong bối cảnh dịch Ebola, H7N9, Mec-CoVi... đang diễn biến rất phức tạp trên thế giới và các dịch bệnh có mức độ lưu hành cao trong khu vực ASEAN như sốt xuất huyết, dịch tay chân miệng, bệnh dại, sốt rét kháng thuốc...
Hồng Hải