Cuộc hội ngộ giữa nạn nhân và vợ phi công rơi máy bay Ô Kha
Từ năm 1992 khi rời Việt Nam trên chiếc xe cứu thương cho đến nay, Annette có hai lần đến Việt Nam. Lần đầu vào năm 2006, lúc đó tâm trạng bà đầy hoang mang, lo lắng nhưng vẫn nhất quyết phải trở lại địa điểm xưa và gặp gỡ những con người có thể giúp bà hiểu điều gì đã xảy ra dẫn đến chuyến bay định mệnh. Còn trở về lần này, với Annette không còn là sự sợ hãi hay căm phẫn. Trên hết, với mong mỏi được chia sẻ tình yêu thương và sự kết nối, bà muốn cùng con gái của mình gặp gỡ những ân nhân đã cứu mạng, những thân nhân của người tử nạn trên chuyến bay Yak 40 và đoàn cứu hộ trên chiếc trực thăng Mia-8 năm xưa.
Không khí buổi họp báo những tưởng đã đủ chùng khi câu chuyện về thảm họa hàng không, đau thương và mất mát ngày nào của Annette được kể lại. Nhưng cảm xúc lại tiếp tục dâng cao hơn với sự xuất hiện của bốn người phụ nữ là vợ của bốn phi công tử nạn trên chiếc Yak 40 và Mi-8.
Vào năm 1992, mọi thứ vẫn còn thiếu thốn, kể cả thông tin cũng chưa được nhanh nhạy như bây giờ nên rất nhiều người đã tin rằng tất cả hành khách trên chuyến bay mang số hiệu VN 474 đều đã tử nạn. Ngay cả Annette cũng hoàn toàn không hay biết rằng sau tai nạn của máy bay VN 474 đã có một chiếc máy bay tham gia cứu hộ bị rơi ngay sau đó. Chính vì lẽ đó, khi được gặp lại Annette, cả bốn người phụ nữ đều không kìm được nước mắt vì xúc động.
Từ hàng ghế khán giả, chị Nguyễn Thị Lan - vợ của phi công lái trực thăng Mi-8 - đứng dậy nói lời chào Annette. Câu chào của chị bị nấc nghẹn giữa chừng, phải mất vài phút sau, người phụ nữ mới trấn tĩnh được đôi chút. Annette tiến về phía chị. Hai người phụ nữ đến từ hai đất nước, vì số phận khắc nghiệt gặp nhau trong lần hội ngộ đẫm nước mắt. Annette ôm chị Lan trong vòng tay rộng của mình, còn vợ người phi công tử nạn kìm nén tiếng nấc nghẹn ngào.
Chị Lan kể, khi chồng chị lái chiếc trực thăng chở đoàn cứu hộ đi tìm kiếm Annette, chị đang mang thai 5 tháng. Nghe tin trực thăng rơi vì bị lực hút của từ trường, chị chết ngất trong lòng, ngày đêm khắc khoải mong tin chồng. Để rồi một tháng sau, chị và gia đình mới có thể tìm được xác của người thân yêu.
Nỗi đau của quá khứ dường như vẫn còn âm ỉ trong lòng chị Lan. Nén lại những mất mát của quá khứ, chị Lan bộc bạch: "Đến nay con gái tôi đã được 21 tuổi và đang là sinh viên năm thứ 3. Giờ đây, tôi cũng cảm thấy thanh thản hơn khi đã nuôi dạy con khôn lớn, ngoan ngoãn và học giỏi, để không phụ lòng thương yêu và sự hy sinh của chồng. Gặp lại chị Annette, tôi thực sự rất mừng khi thấy chị khỏe mạnh, đó là niềm an ủi đối với tôi".
Còn chị Hồ Thu Thủy, vợ của phi công Lưu Công Lương - người lái chiếc Yak 40, nỗi đau 22 năm trước vẫn chôn chặt trong lòng. Chị chia sẻ, điều mà chị và vài thân nhân có người tử nạn trên chuyến bay Yak 40 mong mỏi từ rất lâu là được gặp Annette, người sống sót duy nhất trên chuyến bay.
"Ngày trước, tôi nghe nói rằng Annette đã qua đời sau đó. Chúng tôi rất buồn vì thông tin này. Mỗi lần có chuyến bay nào rơi là lòng tôi lại như cắt. Chúng tôi hiểu được nỗi đau và mất mát đó là như thế nào. Rồi một ngày, tôi đọc được tin trên báo VnExpress.net rằng Annettte còn sống thì rất vui mừng. Sau đó, con gái tôi viết một lá thư cho Annette và cả hai có sự liên lạc để chia sẻ với nhau nỗi đau. Giờ tôi được gặp Annette bên ngoài, chị khỏe mạnh, lạc quan. Chúng tôi thật sự mong muốn có chuyến đi với Annette lên lại đỉnh Ô Kha để thực hiện buổi lễ tưởng niệm người tử nạn năm xưa", chị Thủy nghẹn ngào nói.
Chị Khánh, vợ cơ phó Chu Minh Đông trên chuyến bay Yak 40, phải mất rất lâu mới có thể mở lời tâm sự qua trong nghẹn ngào. Ngày chồng mất, chị vừa sinh em bé. Người thân không dám cho chị hay tin nên phải rất lâu về sau, chị mới biết chồng mình ra đi.
Trước những chia sẻ, những hoài niệm của vợ các phi công, Annette Herfkens ngồi lặng lẽ. Thỉnh thoảng, Annette lấy tay xoa lưng của một chị trong nhóm và luôn miệng dịu dàng an ủi những phụ nữ này. "Các phi công đã làm tất cả những gì họ có thể làm, nhưng vì máy bay rơi vào vùng nhiễu động và việc gì xảy ra nó đã xảy ra", Annette bồi hồi nói.
Tại cuộc gặp này còn có nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, người 22 năm trước từng thực hiện phóng sự về việc cứu hộ trong thảm họa máy bay ở Ô Kha. Ông cũng là người may mắn khi không bước chân lên chiếc Mi-8, đi theo đoàn cứu hộ với mục đích lấy thông tin. "Khi đó, tôi đã ra đến tận nơi trực thăng đang chuẩn bị cất cánh, nhưng rốt cuộc đoàn không cho phép phóng viên theo cùng mà dành mọi ưu tiên cho công tác cứu hộ. Về lại khách sạn vài giờ sau, chúng tôi nghe tin Mi-8 bị rơi và không còn ai sống sót", Huỳnh Dũng Nhân kể.
22 năm qua, ông đều theo dõi và tập hợp các thông tin ít ỏi về vụ việc này. Theo nhà báo, thân nhân của những phi công và nạn nhân tử nạn đã thật sự có cuộc sống phi thường khi vượt qua nỗi đau, mất mát để bước tiếp và xây dựng cuộc sống của họ tốt đẹp hơn.
6h30 sáng 13/8, những người vợ của các phi công tử nạn sẽ cùng với Annette Herfkens bay ra Nha Trang để bắt đầu chuyến về lại đỉnh Ô Kha, nơi năm xưa máy bay gặp nạn. Chuyến đi từ lâu là mong mỏi của những người bao năm qua cùng sống trong nỗi buồn chung là mất đi những người thân yêu nhất của cuộc đời mình.
Thất Sơn