Chương trình - SGK sau 2015: Có thể triển khai đồng loạt với cấp tiểu học
Trong đổi mới chương trình SGK có rất nhiều công việc phải làm. Hiện nay Bộ GD-ĐT đang triển khai xây dựng đề án để trình Chính phủ, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội phê duyệt, sau đó xây dựng chương trình và biên soạn SGK.
Đó là nói thứ tự công việc, thật ra tất cả những việc đó hiện nay được tiến hành đồng thời. Về quy trình sau khi có nghị quyết của Quốc hội, sau khi Chính phủ phê duyệt đề án thì Bộ GD-ĐT sẽ ban hành chương trình phát triển giáo dục phổ thông tổng thể, sau đó là chương trình của từng môn học, tiếp đến là SGK của từng môn học.
Nhưng như tôi vừa nói, hiện nay tất cả các công việc này đang được đồng thời triển khai. Được biết chương trình sau năm 2015 sẽ xây dựng theo chiều hướng tích hợp. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Dạy học tích hợp là một yêu cầu mà chúng ta buộc phải triển khai, với mục tiêu giúp học sinh có thể sử dụng một cách tổng hợp, nhuần nhuyễn, hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống. Nếu cứ dạy riêng rẽ kiến thức của từng bộ môn một, không liên quan với nhau thì quá trình dạy học ít hiệu quả, khả năng vận dụng của học sinh sẽ không cao.
Với chương trình hiện hành, chúng ta đã có những bước cố gắng để tích hợp nhiều lĩnh vực khác nhau trong môn học, nhất là trong giáo dục tiểu học, một phần ở giáo dục THCS, và cũng có cả ở giáo dục THPT. Tuy nhiên khi bắt tay vào xây dựng chương trình sau năm 2015, yêu cầu mà Bộ GD-ĐT đặt ra là tích hợp phải cao hơn so với chương trình hiện nay.
Theo đó chúng ta sẽ xây dựng những bộ môn liên quan nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau, nghĩa là giảm số môn học hiện hành. Tuy ít môn học hơn nhưng kiến thức được sử dụng một cách nhuần nhuyễn hơn. Đây là một việc khó.
Viết sách, đáp ứng nhu cầu tích hợp đã khó; Việc để có giáo viên dạy những kiến thức tích hợp đó càng khó. Chúng ta phải có những bước đi phù hợp, phải tiến hành dần từ thấp đến cao. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từ việc viết chương trình SGK đến việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ giáo viên.
Theo ông, việc biên soạn SGK nên để Bộ GD-ĐT đảm nhiệm hay xã hội hóa?
Chúng ta chủ trương có nhiều lực lượng khác nhau có thể cùng tham gia biên soạn các cuốn SGK khác nhau. Làm được như vậy có hai cái lợi chính. Một là đảm bảo chất lượng SGK sẽ tốt hơn vì có nhiều người viết, nhiều cách tiếp cận, và khía cạnh nào đó có tính cạnh tranh lành mạnh giữa những người viết SGK.
Hai nữa, đất nước chúng ta trải dài nên điều kiện địa lý nhiều vùng miền khác nhau, hoàn cảnh cũng khác nhau, vì vậy cần có những bộ SGK khác nhau. Có nhiều SGK khác nhau sẽ đáp ứng được những đối tượng học sinh khác nhau.
Khi xây dựng chương trình sau năm 2015, Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới toàn bộ so với chương trình hiện hành hay đổi mới một số phần nội dung?
Chúng ta sẽ thay đổi toàn bộ nhưng không có nghĩa sẽ bỏ hết những cái cũ. Chương trình hiện nay, về cơ bản kiến thức vẫn đáp ứng được yêu cầu, tuy nhiên cách cấu trúc, sắp xếp những kiến thức đó với nhau thế nào cho nâng cao hiệu quả quá trình dạy, quá trình học thì mình phải làm - gia công nhiều hơn.
Do đó chúng ta phải kế thừa những ưu điểm của chương trình cũ, đồng thời làm chương trình mới, đáp ứng yêu cầu của mình không chỉ truyền thụ kiến thức mà hướng tới việc phát triển năng lực của học sinh, phát triển khả năng chung của tất cả học sinh cũng như khả năng riêng của từng em.
Theo cách làm cũ thì đổi mới chương trình - SGK được triển khai theo hình thức cuốn chiếu. Nhưng gần đây một số chuyên gia cho rằng nên triển khai đồng loạt cả 12 lớp học. Ý kiến của Bộ GD-ĐT thế nào?
Chúng ta phải xây dựng chương trình tổng thể, tất cả từ lớp 1 đến lớp 12. Sau đó viết SGK cũng viết tổng thể để đảm bảo tính liên thông, thống nhất giữa chương trình - SGK các lớp học, các cấp học và giữa các môn học.
Tuy nhiên khi triển khai đại trà thì tùy theo mức độ đổi mới của chương trình mới - SGK mới so với chương trình - SGK hiện hành nhiều hay ít, có khả năng làm đồng thời hay là phải làm cuốn chiếu.
Chúng tôi đang nghĩ đến một phương án là đối với giáo dục tiểu học thì sự thay đổi không nhiều như cấp học trên, do đó có thể mình sẽ triển khai SGK tiểu học là đồng thời ở tất cả các lớp ngay từ năm đầu tiên. Nhưng đối với cấp THCS và cấp THPT thì nó được cấu trúc lại nhiều - dù kiến thức thì vẫn như vậy, phải đảm bảo tính liên thông giữa lớp dưới lên lớp trên. Do đó có thể phải triển khai cuốn chiếu lần lượt từ lớp 6, 7, 8, 9; rồi từ lớp 10 lên 11 - 12.
Thứ trưởng vừa nói, viết SGK đáp ứng nhu cầu tích hợp đã khó, việc để có giáo viên dạy những kiến thức tích hợp đó càng khó. Vậy Bộ GD-ĐT đã có phương án thế nào trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên để đáp ứng chương trình - SGK mới?
Những mức độ tích hợp kiến thức thì chúng tôi cũng đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Qua đó cho thấy các nước khác nhau thì có những mức độ tích hợp khác nhau, có nước tích hợp vừa phải, có nước tích hợp rất cao. Chắc Việt
Hiện nay Bộ đã chuẩn bị cho các tác giả viết chương trình viết SGk để người ta hiểu có thể làm được như thế nào, và đã bắt đầu thực hiện việc bồi dưỡng giáo viên để họ có năng lực sử dụng kiến thức một cách tổng hợp, có hiểu biết một cách tổng hợp - hiểu được mối liên quan của các kiến thức đó với nhau, và sử dụng những kiến thức đó để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn thế nào. Chính năng lực đó của giáo viên giúp họ sau này có thể dạy tốt SGK viết tích hợp.
Cảm ơn ông!
Theo Quý Hiên
Tiền Phong