Chữa khỏi ung thư máu bằng virus HIV
Anh Jensen đã cùng vợ và con trai đi khắp nước Mỹ, thực hiện nhiều cuộc điều trị và phẫu thuật nhưng vẫn không thành công. Cuối cùng, Jensen quyết định tham gia chương trình điều trị thử nghiệm tại Bệnh viện Đại học Pennsylvania (thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania). Điều kỳ diệu đã xảy ra. Tuần trước, Jensen cùng vợ con trở về nhà sau khi được xác nhận cơ thể anh đã không còn các tế bào ung thư.
Chương trình nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Pennsylvania do tiến sĩ Carl June đứng đầu đã có hai thập kỷ phát triển những đột phát trong điều trị thử nghiệm, có thể ngăn chặn ung thư bạch cầu ở bệnh nhân tưởng như không thể chữa trị. Các nhà khoa học tập trung vào sử dụng các tế bào miễn dịch của bệnh nhân - được biết với tên gọi tế bào T, một loại tế bào bạch cầu và HIV - virus gây ra căn bệnh AIDS đã được vô hiệu hóa.
“Chúng tôi loại bỏ hoàn toàn các đặc tính gây hại của HIV nhưng vẫn giữ nguyên đặc điểm quan trọng nhất của chúng là khả năng chèn gene mới vào tế bào miễn dịch”, bác sĩ June phát biểu trên đài KLS.
Liệu pháp thực nghiệm này được gọi là miễn dịch trị liệu tế bào T. Các nhà khoa học gỡ bỏ hàng tỷ tế bào T khỏi máu của bệnh nhân và tái lập chúng với một mẫu bị vô hiệu hóa của HIV trong phòng thí nghiệm. Những tế bào được biến đổi (gọi là tế bào CTL019) sau đó được phát triển trong phòng thí nghiệm và truyền lại vào bệnh nhân để nhận dạng, tiêu diệt các tế bào ác tính. Sau khi làm xong nhiệm vụ, các tế bào CTL019 sẽ ngủ yên trong cơ thể, đề phòng trường hợp ung thư xuất hiện trở lại.
Nhìn lại mối liên hệ giữa HIV và bạch cầu cấp tính trong lịch sử, năm 2006, Timothy Brown, một bệnh nhân sau hơn 10 năm dương tính với HIV, mắc thêm bệnh bạch cầu tủy sống cấp tính. Sau quá trình điều trị, cuối cùng ông đã được ghép tủy xương của một người hiến tặng có biến dị gene hiếm gặp. Việc cấy ghép không chỉ giúp điều trị bệnh bạch cầu của Brown mà còn bài tiết HIV ra khỏi cơ thể ông. Brown trở thành người đầu tiên trong lịch sử được chữa trị khỏi HIV. Trường hợp của Timothy Brown đã tạo lên một cuộc cách mạng trong nghiên cứu, thôi thúc các nhà khoa học tập trung vào việc sử dụng hệ thống miễn dịch để tiêu diệt các tế bào ung thư.
Năm 2012, cô bé 7 tuổi Emma Whitehead trở thành bệnh nhi đầu tiên thực hiện liệu pháp miễn dịch tế bào T, cũng là bệnh nhân đầu tiên được điều trị bệnh bạch cầu cấp tính. Những xét nghiệm hai tháng sau đó không phát hiện ra dấu hiệu của ung thư trong cơ thể cô bé.
Cả Jensen và Whitehead đều là một phần của nghiên cứu được thực hiện tại bệnh viện Nhi Philadelphia và Bệnh viện trường đại học Pennsylvania (Penn Medicine). Tổng cộng có 30 bệnh nhân bạch cầu cấp tính tham gia các nghiên cứu này, trong đó có 5 người lớn từ 26 đến 60 tuổi và 25 trẻ em, thanh thiếu niên từ 5 đến 22 tuổi. Sáu tháng sau khi được điều trị, 23/30 bệnh nhân vẫn sống, 19 người đã thuyên giảm bệnh hoàn toàn và không cần đến các liệu pháp điều trị khác.
June mô tả hiệu quả của việc điều trị là "vượt quá mong đợi của mình". Tháng 7 vừa qua, Cục quản lý thực phẩm và dược Mỹ đã coi phương pháp điều trị tế bào T là một liệu pháp đột phá trong điều trị cũng như ngừa tái phát bệnh bạch cầu cấp tính ở người lớn và trẻ em. Bước đi tiếp theo của June là sẽ sử dụng liệu pháp gene để điều trị các loại bệnh ung thư khác.
Hoàng Anh (Theo rt.com và New England Journal of Medicine)