18/11/2014 09:04

Ba lần đến Việt Nam những năm 90 của nhiếp ảnh gia Đức

- Tại sao ông lựa chọn đến Việt Nam vào những năm 1990?

Tôi thích đi du lịch đến các nước chưa bị phá hủy bởi du lịch. Trước khi đến Việt Nam, tôi đã thăm một số nước châu Á như 2 lần đến Nhật Bản, 2 lần đến Trung Quốc, Thái Lan và Ấn Độ. Ban đầu tôi muốn đến Việt Nam vào năm 1990 nhưng gặp vấn đề sức khỏe nên chuyến đi phải hoãn lại.

Từ khi là sinh viên trên giảng đường đại học tôi đã quan tâm tới Việt Nam. Tôi đọc nhiều sách báo về chiến tranh Việt Nam, nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ, bom Napalm và chất độc da cam. Tôi tò mò không biết đất nước các bạn làm thế nào để gượng dậy sau chiến tranh. 

- Điều gì của Việt Nam đã thu hút ông 3 lần đặt chân đến đây?

- Câu hỏi này thực không dễ trả lời. Mỗi quốc gia có đặc thù của nó nhưng chỉ một số điều khiến bạn muốn quay trở lại và Việt Nam là một trong số này. Tôi thấy rằng chỉ một chuyến đi là quá ít và tôi muốn nhìn thấy Việt Nam nhiều hơn nữa. Vì vậy, tôi quyết định trở lại và khám phá nhiều vùng đất khác nhau.

Ngay lập tức tôi đã bị hấp dẫn bởi phong cảnh tuyệt đẹp, sự tử tế và lòng hiếu khách của người dân. Đất nước các bạn không có sự oán giận đối với châu Âu, không bài trừ người Mỹ mà ngược lại tôi được chia sẻ rằng: "Chúng tôi hy vọng sớm có du khách Mỹ đến". Tôi nghe rất nhiều người nói điều này. Nhìn chung, có một sự lạc quan tuyệt vời về sự phát triển trong nước, đặc biệt là kinh tế.

- Những năm 1990, khách du lịch đến Việt Nam rất ít. Ấn tượng nhất với ông khi ấy là gì?

- Sắp xếp một chuyến đi từ Đức sang Việt Nam không hề dễ dàng. Khi đó Internet vẫn còn trong giai đoạn trứng nước, không có email và các cơ quan du lịch không mở thẳng những chuyến đi đến Việt Nam. Tại thành phố Düsseldorf (thủ phủ của bang North Rhine-Westphalia, Đức) có một cơ quan du lịch Trung Quốc, trong đó du lịch Việt Nam cũng nằm trong chương trình. Tôi đã đặt một chuyến đi từ miền Nam ra miền Bắc Việt Nam và chỉ có một mảnh giấy điện tín xác nhận.

Song lúc đáp chuyến bay xuống Sài Gòn tôi đã rất ngạc nhiên: Tại sân bay một người đàn ông giơ cao thẻ tên tôi và nói bằng tiếng Đức trôi chảy. Ông giới thiệu mình, người lái xe và chiếc xe sẽ đồng hành với tôi cho thời gian tới. Tôi đã được đi du lịch theo cách không dám mơ ước là đến những vùng xa xôi, hẻo lánh. Khi đến các vùng biên giới phía Bắc, đường sá rất khó khăn, dù vậy cảnh đẹp làm tôi không còn thấy mệt mỏi.

Ở một số khu vực đặc biệt, tôi cần phải có giấy phép và không được tự do đi lại.

Dấu ấn khắp Việt Nam của nhiếp ảnh gia Đức

- Những con người nào khiến ông nhớ nhất trong các hành trình đến Việt Nam?

- Anh hướng dẫn viên du lịch của tôi nói tiếng Đức, trước đây anh từng học tập ở Đông Đức. Mối quan hệ của chúng tôi rất ấm áp và tôi cũng biết gia đình anh ấy. Trên chặng đường song hành, anh chỉ cho tôi thấy đất nước Việt Nam với niềm tự hào và giúp tôi hiểu cuộc sống người Việt hơn. Anh ấy cho tôi thử các món ăn "kỳ lạ" như trứng vịt lộn, mật rắn, tiết canh, thịt chó...

Tại Hà Nội, anh ấy quen với gia đình một giáo sư đại học có phòng cho người nước ngoài thuê. Vị giáo sư này sống ở phố Lò Đúc, từng học tập ở Đông Đức, sống ở đó và ở Thụy Sĩ một vài năm. Ông giảng dạy hóa học tại Đại học Hà Nội. Là một giáo sư cấp cao, ông có thu nhập khoảng 10 USD (năm 1991), ít hơn lương một công nhân. Vì vậy, cho khách nước ngoài thuê phòng là cách để cải thiện cuộc sống của ông.

Cả 3 lần ở Hà Nội tôi đều trọ nhà ông. Gia đình họ nói tiếng Đức rất tốt và giúp tôi biết được nhiều điều thú vị của thành phố. Tôi thường ăn sáng ở quán phở trước nhà trên phố Lò Đúc rồi đi bộ ra địa điểm yêu thích là hồ Hoàn Kiếm. Với một máy ảnh trong tay, dường như với tôi mọi thứ đều thú vị.

Thật không may, bây giờ tôi đã mất liên lạc với họ nhưng thông qua VnExpress.net, tôi mong muốn được liên lạc lại với những người tôi xem là bạn này.

- Ông cảm nhận như thế nào về đất nước Việt Nam qua 3 lần đến đây?

Tôi thấy rõ sự khác biệt của miền Nam và miền Bắc. Sài Gòn gây ấn tượng bởi vẻ hiện đại, có nhiều biển quảng cáo, giao thông (xe máy, xe đạp) dày đặc, người dân luôn bận rộn. Trong khi Hà Nội mang một vẻ gì buồn ngủ, tĩnh lặng, đường phố ít người qua lại, nhiều người vẫn mặc trang phục bộ đội. Tôi yêu Hà Nội và dành thời gian nhiều nhất ở đây. Nếu xem những bức ảnh của tôi, các bạn sẽ thấy điều ấy.

Ba năm liên tiếp sang Việt Nam, tôi nhìn thấy đất nước này có một sự chuyển biến mạnh mẽ. Năm 1991 ở Hà Nội chỉ có vài ôtô (hầu như không có xe cá nhân) nhưng đến năm 1993 có nhiều xe lưu thông. Một số đường phố bị cấm, chỉ cho xích lô, xe đạp. Năm 1991, bạn có thể tìm thấy tại Hà Nội hầu như chỉ có xe Simpson, MZ từ Đông Đức nhưng đến năm 1993 chúng gần như hoàn toàn biến mất, thay vào đó bằng các loại xe mô tô Nhật Bản. Cũng như vậy, năm 1991 tôi thuê chiếc xe Volga của Nga đi du lịch, đến năm 1993 thuê xe Nhật Bản.

Năm 1993, tôi viết trong nhật ký của mình sự thay đổi của Hà Nội so với các năm trước: "Vào ban đêm, đèn đường tỏa sáng hơn, có vô số cửa hàng copy, băng đĩa, dịch vụ đánh giày, Game Boys từ Trung Quốc được bán tại các đường phố, cây cối bị chặt hạ, nhiều ngôi nhà cũ bị phá hủy"...

Tôi cũng nhận thấy rằng trong khu phố cổ nhiều ngôi nhà rơi vào tình trạng hư hỏng. Mỗi lần đến đây tôi đều lo lắng sự quyến rũ của Hà Nội sẽ bị mất trong một vài năm và sẽ phải chịu một số phận tương tự như Bangkok (Thái Lan), nơi tôi từng đến trước đó.

Vết tích chiến tranh vẫn còn ở khắp nơi. Các hệ thống đường hầm Củ Chi, Vĩnh Mốc thể hiện sự tự hào dân tộc Việt Nam được mở cửa cho khách du lịch tham quan. Ở nhiều nơi, bạn có thể nhìn thấy xe tăng, trong một công viên ở Hà Nội có xác máy bay Mỹ và ở khắp nơi Khe Sanh, đôi khi bạn vẫn tìm thấy đạn... 

- Trong các bức ảnh của ông có rất nhiều hình ảnh trẻ em. Ông có thể chia sẻ gì về điều này?

Việt Nam là một nước có nhiều trẻ em. Khoảng 40% dân số là dưới 15 tuổi - trẻ em ở khắp mọi nơi. Ngày tôi đến rất hiếm người châu Âu đến đây. Có lẽ vì vậy bọn trẻ thường nhìn tôi với ánh mắt trong veo, tò mò. Đặc biệt bộ râu của tôi kích thích bọn trẻ.

Tôi nhớ một lần đi dạo hồ Hoàn Kiếm, xung quanh hồ có trẻ em đường phố tụm năm tụm bảy. Thường thì tôi sẽ mua của chúng một cái gì đó để ăn. Một ngày nọ, trong chuyến thăm năm 1993, đột nhiên có 3 cậu thiếu niên đi qua tôi. Một trong số đó dừng lại ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi, sau đó mỉm cười và nói với bạn đồng hành của mình một cái gì đó, mà tất nhiên tôi không hiểu. Trên một chiếc ghế đá cách đó không xa, một ông bác sĩ dịch sang tiếng Anh cho tôi. Hóa ra bọn trẻ nói: "Người đàn ông này đã mua bánh mì cho chúng ta", nhưng đó là năm 1991 - hai năm trước - giờ họ vẫn còn nhớ tôi.

Ông có dự định quay lại Việt Nam hay mở một triển lãm ảnh ở đất nước chúng tôi?

Tôi không mở triển lãm ảnh nhưng sắp tới khoảng 20 bức ảnh của tôi sẽ được trưng bày trong một triển lãm ở Trung tâm di sản phố cổ trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa thành phố Toulouse (Pháp) và thành phố Hà Nội. Hiện tôi chưa rõ ngày khai mạc.

Mục đích của triển lãm là trưng bày sự biến đổi của khu phố cổ - về phát triển đô thị, cơ cấu kinh tế, giá trị xã hội, phong cách kiến trúc - để công chúng biết về lịch sử phố cổ và nâng cao nhận thức bảo vệ di sản này (cả hữu hình và vô hình)...

Thật không may tôi không dự định quay lại Việt Nam kể từ sau năm 1993. Tôi không muốn làm hỏng ấn tượng về đất nước các bạn sau 3 năm tôi đã thu thập ở đây.


Phan Dương



Powered By WizardRSS.com | Rfid Sleeves | Full Text RSS Feed
Cập nhật tin tức đời sống!

Tags: Vui Cười Việt của lần dục Những ảnh đến năm Nhiếp

Tin đọc nhiều nhất