Stress triền miên khiến trẻ giảm trí nhớ và học kém
Nguyên nhân chính xác của tình trạng này còn chưa rõ, nhưng các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng không phải ai cũng sẽ bị hậu quả xấu và những người bị vẫn có hy vọng phục hồi.
Nghiên cứu do Trường Đại học Wisconsin-Madison, Mỹ tiến hành đã cho thấy stress sớm do nghèo đói, bị bỏ rơi và lạm dụng thể xác có thể gây teo nhỏ một số vùng não đang phát triển của trẻ. Thay đổi lớn nhất là ở những vùng não chịu trách nhiệm cho trí nhớ, học tập và xử lý cảm xúc. Nghiên cứu dựa trên 128 trẻ 12 tuổi bị lạm dụng thân thể, bị bỏ rơi khi còn nhỏ hoặc sống trong những gia đình có điều kiện kinh tế kém, so với những trẻ sống trong các gia đình trung lưu và chưa từng bị stress mạn tính từ bé. Các em được chụp MRI não, đặc biệt tập trung vào hồi hải mã và vùng hạnh nhân.
Sau 2 năm theo dõi, các nhà nghiên cứu kết luận rằng hồi hải mã và vùng hạnh nhân của những trẻ phải lớn lên trong stress có kích thước nhỏ hơn những trẻ không bị stress mạn tính. Tuy nhiên hậu quả này không biểu hiện ở tất cả những trẻ sống trong môi trường stress. Theo các nhà nghiên cứu, có thể đẩy lùi sự phát triển giảm sút này “thông qua tập luyện, thuốc và liệu pháp nhận thức”.
Một nghiên cứu khác mới được công bố cũng tìm ra mối liên quan giữa lạm dụng trẻ em và chứng khó đọc. Tuy nhiên nghiên cứu không kết luận được nguyên nhân tại sao những trẻ bị chứng khó đọc lại dễ bị lạm dụng khi còn nhỏ hơn những trẻ khác. Một giả thiết là tổn thương thể xác có thể gây hại cho não bộ của trẻ trong giai đoạn phát triển nhạy cảm.
Stress mạn tính cũng có thể có tác động thể chất đối với người lớn. Cơ thể con người có thể chống chịu được một mức độ stress nhất định không liên tục. Khi mức độ stress vượt quá ngưỡng bình thường, thì những thay đổi có hại cho sức khỏe có thể xảy ra. Những tác hại này bao gồm bệnh tim, cao huyết áp, dễ bị nhiễm trùng, các vấn đề ở da, đau, tiểu đường và thậm chí là vô sinh
Cẩm Tú
Theo Medicaldaily