28/07/2014 23:09

Ổ dịch tiêu chảy cấp tại TP Hồ Chí Minh: Chưa xác định được nguồn lây


PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cho biết, ngay sau khi có thông tin về ca bệnh, Viện đã phối hợp với y tế dự phòng địa phương tổ chức điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm một số ca bệnh, trường hợp tiếp xúc và mẫu môi trường (nước sinh hoạt, nước ao, nước uống, thực phẩm) tại ổ dịch và địa phương.

Kết quả xét nghiệm cho thấy nhiều mẫu dương tính với E.Coli EPEC (khuẩn gây bệnh đường ruột). Cụ thể, 4/8 mẫu bệnh phẩm được lấy từ người mắc bệnh tiêu chảy và người tiếp xúc với bệnh nhân cho kết quả dương tính E.Coli EPEC. Tuy nhiên, cả 6 mẫu nước ao và 2 mẫu nước sinh hoạt đều cho kết quả âm tính với Tả và E.Coli.

Đến nay, tại ổ dịch này xác định 12 ca mắc, trong đó 2/3 là trẻ dưới 10 tuổi. Các ca bệnh đều có sự tiếp xúc gần gũi, cụ thể 5/10 ca bệnh tập trung tại các hộ gia đình gần nhau, hoặc có quan hệ họ hàng, chơi chung và ăn uống chung với nhau.

Ca khởi phát bệnh đầu tiên là bé trai T.M.A (12 tháng tuổi) với triệu chứng tiêu chảy 3 lần vào ngày 8/7. Bệnh nhi đã được xuất viện sau 5 ngày điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới. 

Ca bệnh tử vong là bé trai P.N.T (10 tháng tuổi) là ca khởi phát bệnh thứ 3 tại khu vực này. Theo đó, chiều ngày 14/7/2014 trẻ bị sốt và tiêu chảy phân lỏng màu vàng, khoảng 9 - 10 lần/ngày. Trưa ngày 15/7/2014 được bà nội cho uống thuốc Đông Y không rõ loại, nhưng tình trạng bệnh của trẻ không cải thiện, đến 14 giờ trẻ đừ nhiều được gia đình đưa vào bệnh viện Nhi Đồng 1 nhưng bệnh nhân đã tử vong sau một ngày nhập viện với chẩn đoán: Sốc nhiễm trùng - Nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa. Không có xét nghiệm phân.

Qua lời kể của Bà nội trước khi mắc bệnh, bệnh nhân thường được bú bình sữa chung với bé H.G.B (ca bệnh thứ 2 khởi phát ngày 10/7/2014). Bệnh nhi B có kết quả xét nghiệm dương tính với E.Coli ESBL (khuẩn kháng kháng sinh).

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đây là ổ dịch tiêu chảy cấp khu trú, xảy ra tại khu vực Lô 1.9, không nghĩ đến Tả. Cho đến nay vẫn chưa rõ nguồn lây bệnh của ca đầu tiên,  và 4 người trong hộ gia đình đều không bị tiêu chảy (có 1 trẻ 4 tuổi). 

Bộ Y tế cho biết, kết quả điều tra cho thấy các trường hợp mắc bệnh sống trong khu vực có điều kiện vệ sinh thấp kém, sàn nhà ẩm thấp, nước ao hồ tù đọng, sử dụng cầu tiêu trên ao cá và rác thải không được thu gom xử lý.

Để có nhận định về nguồn lây bệnh chắc chắn hơn, cần phải chờ kết quả xét nghiệm từ các mẫu nước, thực phẩm đã thu thập tại thực địa và mẫu phân của các ca bệnh khác và mẫu phân lần 2 của ca thứ 2.

Hiện tại ổ dịch này Viện Pasteur Tp.Hồ Chí Minh đã lập danh sách theo dõi điều tra 29 người thuộc 11 hộ khác nhau bao gồm 10 ca bệnh và 19 người tiếp xúc. Đồng thời y tế địa phương cũng phối hợp tăng cường các hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm tại khu vực xảy ra dịch cũng như trên toàn thành phố.

Tại Tp.Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm ghi nhận 3.719 ca tiêu chảy cấp, trong đó huyện Bình Chánh chiếm tỷ lệ 7.87% số ca mắc (293 ca). Toàn xã Lê Minh Xuân ghi nhận 75 trường hợp tiêu chảy cấp (trong 6 tháng đầu năm 2014) với đối tượng mắc bệnh: 50.67% trẻ ≤ 5 tuổi, 49.33% trẻ > 5 tuổi.


Phòng bệnh: Nhớ ăn chín uống sôi

E. Coli là vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy phổ biến ở những nơi có điều kiện vệ sinh môi trường, nước sinh hoạt và vệ sinh an toàn thực phẩm không đảm bảo.

Thời tiết mùa hè nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển.

Để chủ động phòng bệnh cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; Mỗi gia đình có một nhà tiêu hợp vệ sinh, cấm đi tiêu bừa bãi; nguồn nước ăn uống phải được bảo vệ sạch sẽ; Không đổ rác thải, phân xuống ao, hồ. Đặc biệt cần đảm bảo thực hiện ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống, không uống nước lã.

Bộ Y tế đề nghị các dịa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn và vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, tổ chức các biện pháp vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý rác thải, xử lý vệ sinh ao hồ, hệ thống thoát nước đúng qui trình vệ sinh và cung cấp nước sạch, hóa chất tẩy rửa và xà phòng cho các khu vực có nguy cơ cao xảy ra các dịch bệnh đường tiêu hóa và dịch bệnh mùa hè để người dân chủ động thực hiện công tác phòng bệnh.

Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đường tiêu hóa, dịch bệnh mùa hè, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; tăng cường lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh; sẵn sàng tổ chức tốt việc thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân, phòng chống lây nhiễm chéo và hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp tử vong.


Hồng Hải

Xem thêm :nhi đồng, viện pasteur, style definitions, tp hồ chí minh, lê minh xuân, kết quả, e.coli, bình chánh, bộ y tế, kết quả xét nghiệm bệnh nhân, nhiễm trùng huyết, trường hợp tiêu chảy cấp,


Powered By WizardRSS.com | Full Text RSS Feed | Amazon Wordpress | rfid blocking wallet sleeves
Cùng bạn chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình!

Tags: Tám Cùng Chị Em lây Hồ tài cặp dính chưa chỉ được tiêu dịch minh Cháy xác nguồn

Tin đọc nhiều nhất