Những trận tập kích muối mặt của đặc nhiệm Mỹ (P4)
Mỹ huy động những lực lượng chưa từng có tham gia chiến dịch. 12 máy bay của Không quân Mỹ, trong đó có 4 chiếc MC-130E Combat Talon, 3 máy bay sở chỉ huy đặc nhiệm EC-130E Commando Solo, 3 máy bay phóng pháo AC-130 Spectre trang bị pháo và súng máy hỏa lực mạnh và 2 máy bay vận tải quân sự C-141 Starlifter được điều động yểm trợ chiến dịch.
Trực thăng RH-53D rời tàu sân bay để thực hiện chiến dịch
Lực lượng chủ chốt để giải cứu con tin là 8 trực thăng RH-53D của Hải quân Mỹ với các tổ lái từ Thủy quân lục chiến có nhiệm vụ bốc rút các con tin được giải cứu đến địa điểm tập kết quy định.
Sự cố ngay từ đầu
Sau khi cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz tiến vào vùng sa mạc của Iran, tám chiếc trực thăng hải quân RH-53D chở theo 118 lính đặc nhiệm Delta bất ngờ gặp phải một trận bão cát rất lớn. Do phải bay thấp để đảm bảo bí mật, những chiếc trực thăng này bị bão cát che khuất tầm nhìn và gây ra trục trặc với động cơ, khiến một trực thăng phải quay trở lại tàu sân bay, còn một chiếc khác bị đâm xuống đất sau khi động cơ bị vô hiệu hóa.
Xuất phát với đội hình 8 chiếc nhưng chỉ có 6 chiếc trực thăng đến được khu vực “Sa mạc Một”, nhưng mọi việc vẫn chưa kết thúc ở đó. Sáu chiếc trực thăng này tới địa điểm tập kết muộn hơn 1 tiếng so với các máy bay vận tải AC-130, và khi đến đây, họ mới phát hiện rằng một trực thăng nữa tiếp tục gặp sự cố với hệ thống thủy lực và không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Vị trí tập kết của các lực lượng tại khu vực Sa mạc Một
Chỉ còn 5 trực thăng trong tay, chỉ huy chiến dịch tính toán rằng họ khó có thể chở hết toàn bộ số con tin là lính đặc nhiệm với một số lượng ít ỏi phương tiện như vậy. Tuy vậy, họ vẫn quyết tâm thực hiện chiến dịch đến cùng.
Thế nhưng “người tính không bằng trời tính”, trên con đường gần khu vực “Sa mạc Một” bất ngờ xuất hiện một xe khách của Iran chở 40 người. Để đảm bảo bí mật cho sứ mệnh, đặc nhiệm Mỹ đã chặn chiếc xe và tạm thời bắt giữ mọi người bên trong.
Đúng lúc đó, một chiếc xe bồn chở xăng xuất hiện và không tuân theo mệnh lệnh dừng lại của lính Mỹ, buộc đặc nhiệm Mỹ phải nổ súng. Đạn trúng vào ngay bồn xăng, khiến một tiếng nổ dữ dội vang lên thiêu rụi chiếc xe. Đến thời điểm này, yếu tố bí mật của chiến dịch gần như không còn.
Những sự cố liên tiếp biến chiến dịch thành một thảm họa
Đến nước này, bộ chỉ huy chiến dịch quyết định hủy bỏ chiến dịch ngay tại hiện trường và hạ lệnh lập tức thu quân và quay về căn cứ, và từ đây thảm họa mới thực sự xảy ra.
Thảm họa xảy ra
Sau khi nhận được quyết định hủy nhiệm vụ và trở về căn cứ, một chiếc trực thăng trong lúc vội vã cất cánh đã va chạm với chiếc máy bay vận tải C-130 chở theo hàng ngàn lít nhiên liệu và một nhóm đặc nhiệm. Một tiếng nổ lớn bùng lên, thiêu rụi cả hai chiếc máy bay cùng tổ lái, khiến 8 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
Lửa bắn ra từ vụ nổ này đã làm hư hỏng nghiêm trọng những chiếc trực thăng còn lại đậu ở gần đó. Tình huống này đã gây ra sự hoảng loạn tột độ cho các đặc nhiệm và binh sĩ Mỹ tại hiện trường, khiến họ cuồng cuồng bỏ lại trực thăng, giấy tờ, tài liệu về kế hoạch để lên máy bay C-130 rút lui.
Xác trực thăng và máy bay vận tải cháy rụi sau vụ va chạm
Họ cũng quên không phá hủy những chiếc trực thăng bị bỏ lại cùng với các giấy tờ trong đó, và sáng hôm sau, người Iran đã đến được hiện trường, tịch thu toàn bộ trực thăng, thu giữ tài liệu và phanh phui kế hoạch giải cứu táo bạo của đặc nhiệm Mỹ. Hiện một số trực thăng này vẫn đang được sử dụng trong hải quân Iran.
Hậu quả
Chiến dịch Vuốt Đại bàng là một thất bại thảm hại khiến người Mỹ “muối mặt” trước toàn thế giới, và là một trong những nguyên nhân khiến Tổng thống Jimmy Carter thất cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1980.
Sau thất bại trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, chiến dịch đổ bể này lại giáng thêm một đòn đau nữa vào hình ảnh “người khổng lồ đáng thương” của nước Mỹ - theo cách ví von của Tổng thống Richard Nixon – với một lực lượng quân sự có quy mô cực lớn nhưng lại “bất tài”.
Trực thăng và máy bay bị bỏ lại khu vực Sa mạc Một sau khi đặc nhiệm Mỹ rút đi
Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân khiến chiến dịch Vuốt Đại bàng thất bại là sự tổng hợp giữa một kế hoạch quá tham vọng với việc sử dụng sai trang bị, khí tài cùng sự thiếu phản biện của một “đội đỏ” nhằm chỉ ra khiếm khuyết trong quá trình lên kế hoạch.
Thật may cho người Mỹ là cựu quốc vương Reza Pahlevi đã chết đúng lúc vì bệnh tật, nên vật cản chính để thỏa thuận với Tehran đã không còn nữa. Để đổi lại việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế, Iran đã chấp nhận thả các con tin Mỹ và trả họ về nhà.Tuy nhiên, chính nỗi nhục nhã sau thất bại của Vuốt Đại bàng đã thúc đẩy quá trình cải tổ quân đội Mỹ được bắt đầu dưới thời Carter và được chú trọng đầu tư trong thời của Tổng thống Reagan.
Mặc dù từ đó các đơn vị đặc nhiệm Mỹ đã thực hiện được không ít chiến dịch thành công, bóng ma “Vuốt Đại bàng” đến nay vẫn lơ lửng trên đầu họ.