10/12/2021 10:56

Mưu sinh ở hạ nguồn đập thủy điện Trung Quốc

Anusorn Nantharak chỉ biết một nghề duy nhất. Trước đây, gia đình anh ở Chiang Rai có hơn 10 thuyền đánh cá, nhưng mọi thứ thay đổi 15 năm trước.

Sinh ra và lớn lên ở một làng chài ven sông Mekong thuộc tỉnh Chiang Rai, miền bắc Thái Lan, Nantharak, 37 tuổi, đã cùng gia đình đánh bắt cá từ năm 17 tuổi. "Chúng tôi từng bắt được rất nhiều loài cá lớn, nhưng lượng cá đã giảm dần và kích thước chúng cũng nhỏ hơn", anh nói. Gia đình anh hiện chỉ còn hai đến ba thuyền.

Kể từ khi các đập thủy điện Trung Quốc mọc lên ở thượng nguồn sông Mekong, cách khá xa nơi Anusorn sinh sống, cuộc sống của anh bị đảo lộn.

"Mùa nước nổi không còn diễn ra như trước đây nữa", anh cho biết. "Vào thời điểm đáng lẽ nước phải dâng cao thì sông lại trở nên khô cạn. Và khi đáng lẽ sông khô cạn thì nước lũ lại lên".

Mưu sinh ở hạ nguồn đập thủy điện Trung Quốc

Anusorn Nantharak trên chiếc thuyền đánh cá của mình. Ảnh: CNA.

"Với tác động lên hệ sinh thái như vậy, nhiều loài cá sẽ sớm tuyệt chủng", Anusorn nói thêm.

Sông Mekong, chảy qua Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông, là một trong những hệ thống sông ngòi phức tạp nhất thế giới, chỉ xếp sau sông Amazon về đa dạng sinh học cá.

Nhưng tất cả điều này đang bị đe dọa khi Trung Quốc tăng cường phát triển thủy điện phục vụ mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060. Những siêu đập thủy điện Trung Quốc đang xây dựng đang tác động rất lớn tới môi trường và sinh kế của vô số người như Nantharak ở hạ lưu, giới chuyên gia đánh giá.

Trung Quốc hoàn thành đập Mạn Loan ở tỉnh Vân Nam, đập thủy điện đầu tiên trên sông Mekong, vào năm 1995. Kể từ đó, nước này đã xây thêm 10 đập nữa trên sông chính, cùng hàng trăm đập khác trên các nhánh phụ của sông Mekong.

Khai thác nước sạch và thủy điện là "chương trình nghị sự được Trung Quốc rất chú trọng", chuyên gia Elizabeth Lai từ Đại học Hong Kong nhận xét. "Về mặt chính trị, đảm bảo an ninh nước sạch là mục tiêu tối quan trọng với Trung Quốc. Một mục tiêu lớn khác là cung cấp năng lượng sạch".

Đề cập đến cam kết của Trung Quốc nhằm đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2060, bà cho rằng xây dựng các đập thủy điện là "một trong những cách hiệu quả nhất" để nước này tạo ra năng lượng sạch.

Thủy điện là nguồn cung năng lượng lớn thứ hai của Trung Quốc, sau than đá. Do đó, phát triển dự án thủy điện ở "các con sông quốc tế và xuyên biên giới" là nhiệm vụ rất quan trọng để Trung Quốc hiện thực hóa các mục tiêu carbon của mình, theo chuyên gia Tian Fuqiang thuộc Khoa Kỹ thuật Thủy lợi Đại học Thanh Hoa.

Điều này khiến các con sông xuyên biên giới mang "ý nghĩa chiến lược" đối với Trung Quốc, ông cho hay, lưu ý rằng hầu hết các khu vực biên giới mà những con sông này chảy qua đều là vùng núi, nơi "điều kiện kinh tế và xã hội địa phương tương đối lạc hậu".

Vì vậy, Trung Quốc cũng muốn "phát triển các con sông xuyên biên giới để mang lại lợi ích cho những cộng đồng dọc bờ sông", Fuqiang nói thêm.

Nhưng các con đập đã làm thay đổi dòng chảy của sông Mekong, làm môi trường sống tự nhiên bị chia cắt và khiến mực nước giảm xuống mức thấp đáng báo động ở hạ lưu.

"20 năm qua, chúng ta có thể thấy sông Mekong đã bị ảnh hưởng theo nhiều cách khác nhau", nhà hoạt động môi trường Thái Lan Niwat Roykaew cho hay. "Rất nhiều sinh vật đã tuyệt chủng, môi trường bị phá hủy. Tất cả những vấn đề này là hậu quả của các đại dự án đó, như những con đập đang được xây dựng".

"Xây đập không thân thiện với môi trường", ông nhấn mạnh.

Theo một báo cáo năm 2017 của UNESCO và Viện Môi trường Stockholm, các đập thủy điện cùng với những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn trên sông đã giữ lại trầm tích phì nhiêu và ngăn dòng chảy tự nhiên của sông ở hạ lưu.

Mưu sinh ở hạ nguồn đập thủy điện Trung Quốc

Một con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong. Ảnh: CNA.

Báo cáo cho biết lượng phù sa trung bình tại các khu vực sông Mekong chảy qua ở Thái Lan đã giảm tới 83% trong giai đoạn 2003-2009. Các tác động bất lợi ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu và tình trạng thiếu trao đổi thông tin giữa các nước liên quan.

Pianporn Deetes, giám đốc truyền thông khu vực Đông Nam Á của tổ chức Sông ngòi Quốc tế, cho biết khi hai con đập đầu tiên được xây dựng trên thượng nguồn sông Mekong, các cộng đồng ở hạ lưu "không nhận được bất kỳ thông báo nào". "Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra ở thượng lưu", bà nói.

"Nhưng người dân ở đây nhận thấy rõ mực nước sông thay đổi. Những biến động bất thường của nước đã ảnh hưởng rất lớn tới hệ sinh thái của sông Mekong", Deetes giải thích.

"Chúng tôi không phản đối Trung Quốc, mà đang nói về những vấn đề đang diễn ra trên dòng Mekong. Các con đập tạo ra điện, nhưng những cộng đồng ở hạ lưu lại phải gánh chịu hệ quả của nó".

Ngoài những ngư dân như Anusorn, nhiều người khác cũng bị ảnh hưởng sinh kế, như Nipon Wutthikorn, nông dân canh tác bên bờ sông Mekong. "Lượng phù sa màu mỡ đã giảm đáng kể, các cồn cát nổi lên cao hơn trước. Không thể đoán được mực nước nữa", ông nói.

Các nhà hoạt động như Niwat lo ngại rằng sông Mekong có thể trở thành công cụ để Trung Quốc gây ảnh hưởng ở khu vực, bởi các con đập mà Trung Quốc xây dựng đã giữ lại lượng lớn nước ở thượng nguồn trong hai năm qua.

"Giữ lại nước vào mùa mưa và xả ra trong mùa khô là hành động đi ngược lại tự nhiên", ông nhấn mạnh.

Hành động này cũng đe dọa sinh kế của 60 triệu người sống ở hạ lưu, khi gây ra mất mùa và cạn kiệt nguồn cá.

Theo Niwat, Trung Quốc luôn nói rằng họ không trữ quá nhiều nước, chỉ khoảng 13,5% lượng nước của sông Mekong. "Với Trung Quốc nó chỉ là 13,5%, nhưng nếu bạn có quyền quyết định khi nào trữ, khi nào xả nước, tác động tạo ra sẽ là rất lớn", ông nói.

Nhưng giáo sư Tian từ Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc, cho rằng những mối lo ngại như Niwat nêu chỉ là "phóng đại".

"Nhiều người nghĩ rằng Trung Quốc kiểm soát thượng nguồn và nước từ thượng nguồn đổ về, vì vậy xây dựng các con đập cũng giống như ngắt nguồn nước máy và sau đó bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn", ông nói. "Đánh giá này không tính đến diện tích cần để trữ nguồn nước lớn đến thế".

Tian thêm rằng hoạt động trữ nước trong hồ chứa "chỉ mang tính điều tiết theo mùa". "Nó giúp hạn chế lũ lụt và trữ nước cho mùa khô. Ở một mức độ nhất định, điều này cũng có lợi cho việc kiểm soát lũ lụt ở hạ lưu và giảm hạn hán", ông cho biết.

Ông cho rằng đây là một vấn đề "rất phức tạp", đòi hỏi nhiều dữ liệu, mô hình và nghiên cứu chi tiết để đưa ra kết luận khoa học.

"Thông thường, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tưới tiêu. Các hồ chứa trên những sông nhánh hay hoạt động khai thác cát đều có thể đóng vai trò nào đó khiến địa hình dòng sông bị thay đổi", Tian nói.

Theo Elizabeth Lai, chuyên gia từ Đại học Hong Kong, các con đập "có thể phục vụ những mục đích tốt đẹp cho con người, nhưng chúng cần được quản lý một cách hợp lý để tránh bị biến thành công cụ chính trị".

Trong khi đó, Trung Quốc đang tập trung vào một con sông khác với dự án lớn nhất của họ: Siêu đập ở huyện Mạt Thoát của Tây Tạng, trên sông Nhã Lỗ Tạng Bố Giang. Con sông xuyên biên giới này, được gọi là Brahmaputra ở Ấn Độ, dài khoảng 3.000 km, chảy từ dãy Himalaya qua Tây Tạng, Ấn Độ và Bangladesh.

Đây dự kiến là con đập thủy điện lớn nhất thế giới, tạo ra 300 tỷ kilowatt giờ điện mỗi năm. Ước tính, con đập này có thể tạo ra lượng điện gấp ba lần đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử.

Vị trí của đập "rất tốt để phát triển thủy điện", Tian đánh giá. Và con sông "cũng chưa phát triển lắm" ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, tác động của nó đối với Ấn Độ và Bangladesh có thể rất lớn.

Năm 1975, Ấn Độ xây dựng đập Farakka trên sông Hằng chảy xuyên biên giới. Tuy nhiên, công trình này đã tạo ra căng thẳng về nguồn nước ở Bangladesh và vô số hậu quả về môi trường, xã hội.

"Trước đây, bạn có thể nghe thấy tiếng gầm của sông từ cách xa hai đến ba km. Làm thế nào mà một con sông như thế lại trở nên lặng im như tờ trong 30-40 năm qua? Lý do nằm ở đập Farakka", nhà hoạt động môi trường Bangladesh Mizanur Rahman cho hay.

Tình hình có nguy cơ trở nên tồi tệ hơn với con đập mới. Theo Partha Pratim Biswas, giáo sư tại Đại học Jadavpur, Ấn Độ, vì Trung Quốc sẽ tích trữ nước cho đập lớn nên những quốc gia ở hạ nguồn, như Ấn Độ và Bangladesh, sẽ nhận được ít nước hơn.

"Nếu Ấn Độ buộc phải sản xuất điện với lượng nước ít hơn, chúng ta cũng sẽ phải xây các đập tích trữ. Càng xây nhiều đập trên sông, bạn sẽ càng làm gián đoạn dòng chảy của nó, nên khu vực cuối nguồn sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất", ông giải thích.

Ngay lúc này, ngư dân Zahangir Alom đã nhận thấy con sông đang khô cạn và hẹp hơn. Anh lo ngại rằng cộng đồng dân cư của mình sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi đánh bắt cá.

Masud Rana Shomrat, người lái thuyền, cũng có mối lo âu tương tự. "Nếu con đập được xây, toàn bộ khu vực này sẽ biến thành sa mạc. Nếu phần phía bắc Bangladesh chạy dọc theo sông biến thành sa mạc, nguồn cung của nhiều mặt hàng sẽ bị nghẽn lại", ông nói.

Mưu sinh ở hạ nguồn đập thủy điện Trung Quốc

Nipon Wutthikorn, nông dân canh tác bên bờ sông Mekong. Ảnh: CNA.

Hồi tháng ba, Trung Quốc thông qua kế hoạch 5 năm lần thứ 14, trong đó có mục tiêu xây dựng con đập trên sông Nhã Lỗ Tạng Bố Giang như một phần của chiến lược nhằm đưa mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2060.

Những người sống ở hạ lưu như Zahangir và Masud lo rằng mình sẽ phải hứng chịu hậu quả.

"Sinh kế của tôi sẽ chẳng còn, vì tôi là người lái thuyền. Cả gia đình chúng tôi dựa vào dòng sông để sinh tồn", Masud nói. "Chẳng còn cách nào khác để tồn tại. Chúng tôi sẽ chết".