12/11/2021 04:09

Mảnh vỡ của Mặt Trăng bay cực gần Trái Đất

Tiểu hành tinh Kamo`oalewa chỉ bay cách Trái Đất 14,4 triệu km vào mỗi dịp tháng 4 có thể vỡ ra từ một vụ va chạm cổ đại của Mặt Trăng.

Mảnh vỡ của Mặt Trăng bay cực gần Trái Đất

Mô phỏng tiểu hành tinh Kamo`oalewa bay gần Mặt Trăng và Trái Đất. Ảnh: Addy Graham/Đại học Arizona

Một tiểu hành tinh nhỏ bay theo quỹ đạo gần Trái Đất có thể là mảnh vỡ của Mặt Trăng, kết quả từ vụ va chạm xa xưa, theo nghiên cứu mới công bố hôm 11/11 trên tạp chí Nature Communications Earth & Environment. Nếu được xác nhận, tiểu hành tinh này sẽ trở thành vật thể gần Trái Đất đầu tiên có nguồn gốc từ Mặt Trăng, có thể giúp hé lộ lịch sử hỗn loạn của Trái Đất và vệ tinh tự nhiên.

Tiểu hành tinh trong nghiên cứu có tên Kamo`oalewa, được các nhà thiên văn học phát hiện vào năm 2016 bằng kính viễn vọng PanSTARRS ở Hawaii. Dù vật thể tối hơn 4 triệu lần so với độ sáng con người có thể nhìn thấy bằng mắt thường, cứ tháng 4 hàng năm, quỹ đạo của Kamo`oalewa lại đưa nó tới gần Trái Đất đủ để quan sát bằng những kính viễn vọng mạnh nhất. Vào thời gian đó, khoảng cách giữa tiểu hành tinh và Trái Đất là 14,4 triệu km, gấp gần 40 lần khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trăng.

Các quan sát hé lộ tiểu hành tinh có đường kính không lớn hơn 58 m, tương đương một vòng quay lớn. Do có quỹ đạo gần Trái Đất, Kamo`oalewa nằm trong danh mục mang tên giả vệ tinh, tức vật thể quay quanh Mặt Trời nhưng nằm rất gần hành tinh của chúng ta. Giới thiên văn học đã phát hiện nhiều giả hành tinh trước đây, nhưng họ gặp khó khăn trong việc nghiên cứu chi tiết do kích thước nhỏ và độ mờ của chúng.

Nguồn gốc của những vật thể như vậy rất khó xác định, nhưng nhóm Renu Malhotra, giáo sư khoa học hành tinh ở Đại học Arizona và cộng sự tìm cách khám phá nguồn gốc của Kamo`oalewa bằng cách tìm hiểu độ mờ của ánh sáng phản xạ trên bề mặt của nó. Sử dụng kính viễn vọng Ống nhòm lớn trên đỉnh núi phía nam Arizona, nhóm nghiên cứu quan sát Kamo`oalewa khi nó bay tới gần Trái Đất trong tháng 4 suốt vài năm.

Họ nhận thấy quang phổ ánh sáng của tiểu hành tinh trùng khớp với mẫu vật Mặt Trăng thu thập từ các nhiệm vụ Apollo của NASA, chứng tỏ vật thể này có thể là mảnh vỡ của Mặt Trăng. Hơn nữa, quỹ đạo cực gần Trái Đất của tiểu hành tinh rất khác biệt với những thiên thạch bay về phía hành tinh của chúng ta từ vành ngoài hệ Mặt Trời. Điều đó chứng tỏ Kamo`oalewa đã nằm gần Trái Đất trong thời gian dài.

Nếu Kamo`oalewa là mảnh vỡ Mặt Trăng, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể xác định điều gì khiến nó vỡ ra hoặc nó bay theo quỹ đạo hiện nay bằng cách nào. Tuy nhiên, sau khi phân tích quỹ đạo của vật thể, nhóm nghiên cứu tìm thấy 3 tiểu hành tinh gần Trái Đất khác có quỹ đạo tương tự. Tất cả chúng có thể bắn vào không gian trong cùng một vụ va chạm với Mặt Trăng cổ đại. Theo nhóm tác giả nghiên cứu, Kamo`oalewa sẽ vẫn bay theo quỹ đạo hiện nay trong 300 năm nữa, do đó họ sẽ có nhiều cơ hội tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc của nó.