10/11/2014 03:09

Làm giàu trên xương máu người bệnh

Theo quảng cáo của cánh đầu nậu và con buôn dược liệu, vì có hình dáng giống dương vật của chó nên thứ nấm có tác dụng làm đẹp, diệt khối u, tăng cường và hồi phục sinh lực kia được gọi nôm na là "ngọc cẩu" (?). Còn tên gọi lan kim tuyến hay cỏ kim cương có thiên chức đánh bật các khối u bắt nguồn từ đặc tính về đêm phát sáng như kim cương của loại cỏ này.

Thổ huyết vì tin cỏ hoang là… siêu dược

Được rao bán với giá đến 100 triệu đồng 1kg, thứ cỏ được giới đầu nậu kinh doanh dược liệu đơm đặt là lan kim tuyến hay cỏ kim cương hoặc cỏ nhung kỳ thực chẳng có tác dụng diệt ung thư tiêu khối u như đám con buôn đơm đặt: "Nếu tôi nhớ không lầm thì cách đây khoảng 2 tháng, Chuyên đề ANTG đã có bài viết về thứ cây cỏ này với tựa đề "Cạm bẫy lan kim tuyến - Chiêu trò của đầu nậu dược liệu Trung Quốc".

Với thực tế hiện nay thì không chỉ đầu nậu ở bên kia biên giới, mà nay có sự tham gia của những tay buôn trong nước, hình thành nên cơn ác mộng người mình bẫy và đầu độc dân mình. Những ngày qua rất nhiều bạn bè, người thân quen gửi cho tôi đủ tin nhắn, đường dẫn nói về một ông thầy tên T. ở Hà Giang nhờ dùng thứ cỏ này mà hết bệnh ung thư nên tình hình cứ loạn cả lên. Tôi sợ với cái đà này, nếu các cơ quan chức năng không kiểm chứng cũng như không vào cuộc để đưa ra những cảnh báo, sớm muộn rồi sẽ lại có thêm nhiều người không chỉ lâm cảnh tiêu hao tài sản mà còn chết oan.

Trong tâm trạng đầy bức xúc và phẫn nộ, bà Loan, người Việt gốc Hoa, có chồng là ông Mã Thanh Vân, 61 tuổi, bị ung thư phổi (ngụ quận 5), đã trao đổi với PV Chuyên đề ANTG, như thế. Cách đây không lâu, cũng vì tin vào miệng lưỡi những kẻ kinh doanh dược liệu bất nhân được đăng tải trên nhiều trang mạng xã hội mà bà Loan đã chi hơn 30 triệu đồng mua chưa đầy 0,5kg lan kim tuyến về cho chồng diệt ung thư: "Uống đến ngày thứ 3 thì ông nhà tôi bị thổ huyết, đợt đầu ổng thổ máu tươi, sau thì máu bầm đen, rồi khó thở suýt chết. Khi ổng được cấp cứu tai qua nạn khỏi, tôi gọi điện mắng vốn kẻ bán lan độc “thuốc gia truyền” thì đầu dây bên kia phát tín hiệu ò í e.

Tôi cầm mớ lan độc kia tìm gặp nhiều lương y hàng đầu như Đinh Công Bảy (Tổng thư ký Hội dược liệu TPHCM), Nguyễn Đức Nghĩa (học trò cố GS-TS Đỗ Tất Lợi) thì các vị này đều lắc đầu vì chẳng có cơ sở gì để nói thứ cỏ quăn queo kia là lan kim tuyến. Cũng theo các thầy thuốc nhiều tâm đức này thì cứ cho đó là lan kim tuyến đi thì nó chẳng hề có tác dụng chữa ung thư, kéo dài sự sống như lời rao của bọn bất nhân", bà Loan, bức xúc.

Kỹ sư hóa học Nguyễn Văn Lương, 63 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, người đã bỏ tiền của, công sức sưu tập nhiều loại lan được dân buôn quảng cáo… lên trời là "lan kim tuyến" hay "cỏ kim cương", "cỏ nhung" mang đi phân chất để rồi phát hiện nhiều mẫu có độc chất, cụ thể là các chất chống mốc, chống ẩm, lưu huỳnh… dễ gây ung thư, cũng có lo ngại như bà Loan và chia sẻ rằng: "Theo ghi nhận của tôi, những ngày gần đây, thông tin về ông lương y tên T. dùng lan kim tuyến chữa dứt bệnh ung thư mà mình mắc phải rồi phát ngôn gây sốc rằng các lương y ở Việt Nam chẳng ai biết gì về cây này, là quá ngông cuồng. Bởi các lương y từ cổ chí kim đều khẳng định nó chỉ là loại cỏ hoang chỉ có tác dụng trồng làm cảnh".

Ông Lương phân tích: "Lấy gì để chứng minh cái ông "lương y T" kia là lương y? Và lấy cơ sở gì để chứng minh ông ta từng bị ung thư và từng hết bệnh nhờ thứ lan kim tuyến? Nếu ai đó bỏ cả trăm triệu đồng mua thứ lan kia (không phải là ông ta thì là băng nhóm của ông ta bán) về sắc lấy nước uống, lấy gì đảm bảo uống vào sẽ hết bệnh. Nếu người ta uống vào bị ngộ độc mà chết, ví như chồng bà Loan, ai sẽ là người chịu trách nhiệm. Mọi người đừng để chết thảm vì thiếu hiểu biết".

Ông Nguyễn Văn Lương là bạn tâm giao với ông Bùi Văn Cứ (thành viên Ban Chấp hành Hội Hóa học TP HCM). Cả hai đều rất bất bình trước nạn đầu nậu dược liệu tung đủ chiêu mồi chài để bán “thần dược” cho người dân với giá cắt cổ mà chẳng bận tâm đến sự sống chết của người bệnh: "Cái kiểu buôn dược liệu thổi phồng sự thật kia giờ phát triển như vũ bão. Dù chẳng có con số thống kê chính xác nhưng ai trong nghề trong ngành cũng rõ những kẻ buôn bán thiếu nhân tâm kia giàu lên bao nhiêu thì số người bị suy tàn sức khỏe hay thiệt mạng tăng bấy nhiêu”.

Oái oăm chuyện cây tỏa dương bị đơm đặt thành nấm ngọc cẩu

Còn chưa nguôi nỗi bất bình về thứ lan kim tuyến đang được đám đầu nậu gắn với cái mác của một ông lương y "ma ma Phật Phật" mà những người biết chuyện đoán định đây "nếu không là ông trùm ắt sẽ là đối tác của những trùm dược liệu" nhằm bán những thứ tào lao với giá trời ơi đất hỡi, thì các ông Lương - Cứ cùng nhiều lương y có tâm huyết trong việc bảo vệ người bệnh "sốc" khi biết được song song với thứ lan kim tuyến khiến ông chồng bà Loan bị thổ huyết kia, đám đầu nậu còn tung hô cây tỏa dương là "nấm ngọc cẩu".

Lương y Trần, bạn đồng niên với kỹ sư Bùi Văn Cứ, bức xúc: "Theo sự quảng cáo tới trời của những kẻ thất đức kia, cái gọi là "nấm ngọc cẩu" bị gán cho các chức năng trị khối u, giúp làm đẹp, tăng cường sinh lý cho mọi loại đối tượng…

Không chỉ phịa ra chuyện tục tĩu người Dao gọi nấm ngọc cẩu là nấm gây tan cửa nát nhà vì đàn bà đàn ông uống vào tăng cường ham muốn vợ (chồng) không đáp ứng nổi nên đi hoang, không chỉ thổi phồng thứ nấm kia chỉ có ở vùng cư trú của người Dao, tại khu vực núi Tây Phong Lĩnh (Hà Giang), như cái vụ lan kim tuyến, kẻ được đơm đặt là lương y T. còn khẳng định các lương y chẳng ai biết gì về thứ nấm này dù rằng cố GS-TS Đỗ Tất Lợi đã từng đề cập".

Trên đây là ghi chép của cố GS-TS Đỗ Tất Lợi về cây tỏa dương - được đơm đặt là "nấm ngọc cẩu" với nhiều phép chữa trị thần kỳ: "Tỏa dương còn gọi là củ gió đất, củ ngọt núi, hoa đất, cu chó, cây không lá, thuộc họ gió đất. Đây là loại cây cỏ trông như một cây nấm, màu đỏ nâu sẫm… Tỏa dương thường mọc và sống ký sinh trên những rễ của những cây gốc lớn trong rừng sâu ẩm thấp. Thường gặp ở Hà Tây, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái…. Nhân dân dùng tỏa dương làm thuốc bổ máu, kích thích ăn ngon miệng, còn dùng chữa nhức mỏi chân tay, đau bụng, hồi phục sức khỏe cho phụ nữ sau khi sinh nở, dùng dưới dạng thuốc rượu".

Về cái gọi là "nấm ngọc cẩu" nhưng kỳ thực là tỏa dương, trong công trình nghiên cứu cố GS-TS Đỗ Tất Lợi chỉ ghi ngắn gọn như vậy. Qua đó mới thấy phạm vi phân bố của cây này trải rộng, tính năng chữa trị bình thường: "Quanh ta có rất nhiều cây thuốc có tác dụng như tỏa dương và còn hơn thế nữa như đinh lăng, hà thủ ô, cẩu tích… Về công dụng hồi phục sức khỏe cho phụ nữ sau khi sinh nở, nên nhớ tỏa dương chỉ hữu dụng cho thai phụ sau quá trình vượt cạn, chứ người suy yếu vì các thể bệnh khác dùng không những không hiệu quả mà càng thêm phần nguy hại" - lương y Nguyễn Trọng Bá (Đồng Nai), cảnh báo.

Đừng chết vì thiếu hiểu biết

Theo lý giải của bà Trần Thị T, chủ một hiệu buôn dược liệu ở phố đông y quận 5 thì để bẫy thiên hạ, bọn xấu không ngại thuê người, hợp đồng ăn chia với ông A hay bà B rằng những người này từng bị ung thư rồi nhờ nấm lim xanh, lan kim tuyến… mà tai qua nạn khỏi.

Thấy người thật việc thật, nhiều người tin rồi hè nhau mua, đâu biết mình trúng bẫy: "Tâm lý của người mắc bệnh nan y hay người có thân nhân bị mắc các chứng tai quái thường vái tứ phương. Nhưng vái vào những thứ vô thực bị đơm đặt thái quá thì chẳng khác nào đẩy chính mình hoặc người thân đến nhanh với cái chết. Khi xem các bài viết theo đơn đặt hàng của các đầu nậu, người ta thường bị mờ mắt trước những thông tin ly kỳ về chuyện vượt qua cái chết của nhân vật được đề cập. Chứ có mấy ai bận tâm đến việc trên thực tế có những người đã phải bỏ mạng nhưng các con buôn, đầu nậu phủi tay cũng như chẳng ngó ngàng gì tới".

Cũng theo bà T. và nhiều lương y, rất dễ để nhận biết "tiểu xảo" thổi phồng chức năng của những thông tin đơm đặt về cây lan kim tuyến, "nấm ngọc cẩu" và các loài thảo dược khác: "Để lòe người bệnh, dân buôn phao tin cây này cây kia được các chuyên gia, lương y nghiên cứu, phát hiện hàng trăm loại dược chất chữa bệnh. Vấn đề ở chỗ các chuyên gia kia là ai, ở đâu, thuộc viện nào. Nếu là lương y thì ông lương y kia có đáng tin cậy không, có đúng là thầy thuốc học hành bài bản hay chỉ dừng lại ở vài lớp tập huấn.

Nếu bình tâm suy xét, sẽ thấy các bài viết bốc thơm lương y này cây thuốc nọ đều thiên kiến, chỉ là lời của người viết và vị lương y đáng ngờ được tâng bốc, không hề dẫn liệu dẫn chứng thuyết phục và có đánh giá của các cơ quan chức năng với mục đích phản biện. Điều lạ ở chỗ những thông tin lan kim tuyến và cây tỏa dương bị phù phép thành nấm ngọc cẩu chữa bệnh này bệnh kia chẳng có gì để chứng minh, chỉ toàn là nói chung chung và phiếm chỉ, vậy nhưng nhiều người vẫn cứ tin và lao vào, thật dại hết sức".

Trở lại chuyện thổi phồng tác dụng của cây thuốc tỏa dương và lan kim tuyến thành "siêu dược", "thần dược" của một số người buôn bán dược liệu, chiều 8/10 vừa qua, qua tìm hiểu từ thị trường dược liệu, từ đời thực đến thế giới ảo, chúng tôi được biết song hành với nạn rao bán loạn xạ hai thứ cỏ cây này với giá cắt cổ của đám con buôn vốn là tay chân, mạng lưới, chân rết của các ông trùm, với tình hình này, nếu các cơ quan chức năng mà cụ thể ở đây là Bộ Y tế cứ đứng ngoài cuộc thì không chỉ tội cho người bệnh mà còn tội cho núi rừng, tội cho các loài cỏ cây hoa lá

Theo Bích Kiều

An ninh thế giới



Powered By WizardRSS.com | Full Text RSS Feed | Amazon Wordpress | rfid blocking wallet sleeves
Cùng bạn chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình!

Tags: Tám Cùng Chị Em trên mẫu làm... bệnh người giàu xuống

Tin đọc nhiều nhất