Covid-19 ảnh hưởng đến mắt như thế nào?
Ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy, nhiễm trùng Covid-19 cũng có thể ảnh hưởng đến mắt, bên cạnh phổi, tim... Khoảng 1/10 người tiếp xúc với Covid-19 gặp ít nhất một vấn đề về mắt như khô, đỏ, mờ mắt và nhạy cảm với ánh sáng. Viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ cũng có thể xuất hiện trong giai đoạn đầu của nhiễm trùng, là một trong những dấu hiệu đầu tiên của nhiễm Covid-19.
Mắt kết nối với não qua dây thần kinh thị giác. Do đó, nhiễm trùng võng mạc có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Ảnh: Getty
Các nhà khoa học tại Viện Max Planck ở Đức đã tiến hành một nghiên cứu tìm hiểu cách SARS-CoV-2 lây nhiễm vào tế bào trong mắt và những hậu quả có thể xảy ra đối với phần còn lại của hệ thần kinh.
Để theo dõi những thay đổi trong mắt sau khi tiếp xúc với Covid-19, Menuchin-Lasowski, một tác giả của nghiên cứu đã sử dụng các organoids võng mạc, nuôi cấy như võng mạc của con người. Các mô có nguồn gốc từ tế bào gốc này chứa hầu hết các loại tế bào được tìm thấy trong võng mạc, bao gồm tế bào cảm thụ ánh sáng, tế bào amacrine hỗ trợ và tế bào ngang, được tổ chức chính xác theo cấu trúc phân lớp.
Khi những tế bào này phát triển và đạt đến độ trưởng thành, các nhà nghiên cứu cho chúng tiếp xúc với virus SARS-CoV-2. Họ phát hiện ra rằng, SARS-CoV-2 không chỉ lây nhiễm vào tế bào mà còn nhân lên. Điều này được thể hiện bằng việc sản sinh ra các mảng virus trong các tế bào tiếp xúc với virus. Số lượng mảng bám virus tăng lên đáng kể trong vòng 24 giờ đầu và tăng gần gấp đôi sau 24 giờ tiếp theo. Sau 72 giờ, lượng mảng bám giảm, trở lại mức ở 24 giờ đầu tiên.
Cơ chế xâm nhập vào mắt của SARS-CoV-2 là di chuyển qua màng nhầy vào khoang bên trong của mắt trước khi chạm đến võng mạc. "SARS-CoV-2 sử dụng thụ thể ACE-2 để xâm nhập vào các tế bào trong mắt. Việc ngăn chặn thụ thể này có thể ngăn ngừa nhiễm trùng ở các organoids võng mạc. Tức là ACE-2 có thể là cơ chế chính gây nhiễm trùng ở mắt mặc dù mức độ biểu hiện thấp", Menuchin-Lasowski cho biết.
Tại võng mạc, Covid-19 tấn công các tế bào, gây nhiễm trùng. Tế bào hạch võng mạc là tế bào thần kinh trải dài trên bề mặt bên trong của võng mạc. Chúng nhận thông tin thị giác từ tế bào cảm quang, truyền qua các tế bào nằm ngang và tế bào amacrine. Sau đó, các sợi trục của tế bào hạch bó lại để tạo thành dây thần kinh thị giác, kết nối trực tiếp với các vùng thị giác của não. Tổn thương ở các tế bào này có thể làm suy giảm thị lực đáng kể. Các nghiên cứu cho thấy, sự thoái hóa của tế bào hạch võng mạc và/hoặc cơ quan thụ cảm ánh sáng bởi Covid-19 có thể dẫn đến mù vĩnh viễn hoặc khiếm thị.
Khoảng 40% tế bào bị nhiễm SARS-CoV-2 trong nghiên cứu này là tế bào hạch võng mạc, ngoài ra có một tỷ lệ nhỏ tế bào thụ cảm ánh sáng và tế bào lưỡng cực... Mặc dù nằm ở lớp bên trong của võng mạc, các tế bào hạch lại dễ bị nhiễm trùng hơn cả.
Các hiện tượng như đau mắt đỏ và một số triệu chứng khác cũng cho thấy tổn thương ở mắt do Covid-19. Trong đó, chấn thương võng mạc có thể là hậu quả của rối loạn chức năng mạch máu quanh mắt liên quan đến sự nhiễm trùng của các tế bào biểu mô lót các mạch máu. Menuchin-Lasowski và cộng sự cũng suy đoán rằng, các tế bào hạch võng mạc bị nhiễm trùng có thể kích hoạt các đường dẫn tín hiệu viêm làm tổn thương các tế bào lân cận. Thực tế, các tổn thương võng mạc phổ biến do Covid-19 tạo ra, như sưng dây thần kinh thị giác và tổn thương ở lớp tế bào hạch, có liên quan đến tổn thương tế bào hạch võng mạc.
"Nghiên cứu võng mạc-organoid hiện tại cho thấy nhiễm SARS-CoV-2 có thể gây ra hậu quả bệnh lý trực tiếp cho các tế bào hạch võng mạc, mặc dù tình trạng suy giảm thị lực không phổ biến ở bệnh nhân mắc Covid-19", Tiến sĩ Thomas Rauen, đồng tác giả của nghiên cứu này chia sẻ thêm. Cũng theo ông, các dữ liệu cũng cho thấy các triệu chứng Covid kéo dài có thể bao gồm bệnh thoái hóa võng mạc.
An Nhiên (theo Forbes)
Tags: đau mắt đỏ đau mắt do Covid-19 SARS-CoV-2