29/05/2014 02:07

Cánh cửa hôn nhân khép lại với người đồng tính

Cụ thể tháng 7/2013, ban soạn thảo dự luật bỏ điều "cấm", có giải quyết hậu quả pháp lý về tài sản, con cái của việc sống chung như vợ chồng giữa những người đồng tính. Đến tháng 9/2013, dự luật chuyển "cấm" thành "không thừa nhận", đồng thời không đề cập đến hậu quả pháp lý, tài sản, con cái của việc sống chung giữa họ.

Đến tháng 5 vừa qua, dự luật chuyển "cấm" thành "không thừa nhận", và bỏ luôn cả điều 16 trong dự thảo trước đó, tức không còn giải quyết hậu quả pháp lý về tài sản, nội trợ hoặc con cái giữa những người đồng tính.

Bà Nguyễn Thị Lan, Phó trưởng bộ môn Luật Hôn nhân và Gia đình, ĐH Luật Hà Nội bày tỏ: "Tôi tiếc đứt cả ruột khi dự thảo mới bỏ đi điều 16, tức là bỏ các quy định về giải quyết hậu quả pháp lý từ việc sống chung của người đồng tính. Không chỉ cộng đồng người đồng tính mà chúng tôi, những người soạn luật đưa vào dự thảo cũng rất thất vọng".

So sánh dự thảo với Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, chuyên gia này cho rằng về sâu xa dự thảo mới thậm chí không bằng luật hiện hành, và còn thể hiện sự phân biệt đối xử. Trong dự thảo, nam nữ sống chung không đăng ký, hay người cùng giới tính sống chung, khi có vấn đề phát sinh đều giải quyết theo dân sự.

"Tôi biết người đồng tính có hai khát khao là quyền được kết hôn và nhận con nuôi, đều không được đáp ứng. Nếu luật mới có điều 16 sẽ phần nào cho họ một tương lai", bà Lan nói. Theo bà, dự thảo luật nếu được thông qua sẽ khó cho cả người thực thi pháp luật, chứ không riêng gì người đồng tính.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Trưởng phòng Pháp luật dân sự, Bộ Tư pháp, cho biết nguyên tắc nền tảng của luật dân sự là bình đẳng, ai tạo ra bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu. Sự bình đẳng này nếu áp dụng vào mối quan hệ sống chung giữa hai người cùng giới lại bất cập. Một đôi sống chung có thể hy sinh rất nhiều cho nhau để tạo dựng cuộc sống như phân công lao động nội trợ, chăm sóc con cái hay đảm nhận thu nhập chính cho cuộc sống chung. Sự bình đẳng trong mối quan hệ này không phải "làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu" mà phải có quyền ngang nhau. Vì vậy nếu chỉ giải quyết quan hệ cùng giới bằng luật dân sự thì việc đảm bảo tính nhân văn rất khó.

Đồng quan điểm trên, bà Trần Thị Ngọc Bích, Viện nghiên cứu chính sách Bộ Y tế cho biết, hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh quyền con người và quyền công dân. Các quyền này chỉ bị hạn chế trong những trường hợp cần thiết như sự ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, cuộc sống của những người khác trong xã hội. Thực tế, không có nghiên cứu nào chỉ ra cuộc sống của những người đồng tính sẽ ảnh hưởng đến xã hội. Tuy nhiên, dự thảo luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi nếu được thông qua lại thắt chặt, hạn chế quyền công dân.

Từ tháng 4/2014, cộng đồng người đồng tính tại Việt Nam đã vận động chiến dịch "Tôi đồng ý 16+" để ủng hộ việc giữ và mở rộng điều 16 trong dự thảo luật Hôn nhân và Gia đình. Trước thông tin điều 16 bị loại khỏi dự thảo cuối cùng này, nhiều người đồng tính cảm thấy thất vọng.

Chuyên gia trang điểm Hoàn Khang, đại diện cho người đồng tính nam bộc bạch rất hụt hẫng và vô cùng hoang mang bởi những cặp đồng tính sẽ không được pháp luật bảo vệ các quyền như thừa kế, đại diện nhân thân, tài sản chung. Nếu có con thì đứa bé cũng sẽ không được bảo vệ quyền lợi.

"Tuy có thể dùng luật dân sự để điều chỉnh nhưng liệu luật dân sự có thể đảm bảo được tính nhân bản? Quan trọng hơn, nhiều người đồng tính ở Việt Nam vẫn phải sống trong cảnh bị kỳ thị và phải lừa dối những người thân yêu nhất để che giấu đi thân phận thật của mình", Khang nói.

Tăng Ái Linh và Nguyễn Thanh Phương là cặp đồng tính nữ đã yêu nhau hơn 10 năm. Khi vấn đề hôn nhân đồng tính được đưa ra Quốc hội bàn bạc, hai người đã chụp bộ ảnh cưới dưới nước, và dự định nếu được Nhà nước công nhận hôn nhân đồng giới thì sẽ tổ chức đám cưới. Song khi biết dự thảo có sự thay đổi, cả hai có chút hụt hẫng.

"Chúng tôi không quá thất vọng vì cả hai đã chuẩn bị tâm lý trước. Tôi cảm thấy Nhà nước đã lắng nghe và đã chấp nhận cho người đồng tính. Một số cặp đồng tính cưới nhau không còn bị chính quyền làm khó, nhiều bạn công khai và được gia đình yêu thương. Chúng tôi trân trọng tất cả những điều đó, và sẽ đấu tranh hơn nữa cho quyền bình đẳng hôn nhân vào một ngày không xa", đôi này cho biết.

Dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua dự thảo sửa đổi luật Hôn nhân gia đình vào cuối kỳ họp này. 

Phan Dương



Powered By WizardRSS.com | Full Text RSS Feed | Amazon Wordpress | rfid blocking wallet sleeves
Cập nhật tin tức đời sống!

Tags: Vui Cười cánh của nhăn với tình hôn người động lại khép

Tin đọc nhiều nhất