Bệnh Ebola: Cánh cửa cơ hội đang khép lại
"Nếu không đối phó hiệu quả ngay bây giờ, Ebola có thể trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng ở những nước hiện bị ảnh hưởng," Valerie Amos, giám đốc nhân đạo Liên hiệp quốc cho biết. Năng lực cung cấp thậm chí là những nhu yếu phẩm cơ bản nhất của Guinea, Sierra Leone và Liberia hiện nay được mô tả là “đang trên bờ vực sụp đổ”.
Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ thông báo nỗ lực của Mỹ nhằm “đẩy lui cơn hồng thủy” Ebola, với kế hoạch điều 3.000 nhân viên quân sự tới tây Phi. Các cố vấn Mỹ cũng sẽ tập huấn cho 500 nhân viên y tế mỗi tuần ở Liberia.
LHQ cho biết việc đối phó với cuộc khủng hoảng này sẽ cần 987,8 triệu đô la Mỹ, với khoảng một nửa số tiền này cần cho nước đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Liberia. Thông báo của tổ chức này đã thừa nhận mức báo động tăng cao đối với dịch Ebola. Tình đến thứ Sáu tuần trước dịch bệnh đã làm chết 2.461 người trong số 4.985 người nhiễm, theo con số mới nhất của WHO.
LHQ ước tính đến cuối năm nay khoảng 20.000 người có thể bị nhiễm bệnh, với Guinea chiếm 16%, Sierra Leone 34% và Liberia là 40%. Nếu cộng đồng quốc tế và các nước bị ảnh hưởng đối phó nhanh chóng và tích cực, thì dịch sẽ lây lan chậm dần vào cuối năm nay và sẽ được chặn đứng vào giữa năm 2015.
Cần sự tăng cường “vượt mọi tiền lệ”
Trong những ngày gần đây nhiều nước đã kêu gọi tăng cường công tác cứu trợ. Liên minh châu Âu đã phải thốt lên rằng “quá nhiều thời gian quý giá đã trôi đi”. “Mức độ tăng cường cần thiết là chưa có tiền lệ. Nó rất lớn”," điều phối viên LHQ về Ebola, David Nabarro cho biết.
Ngoài các nỗ lực quốc tế, Trung Quốc cũng sẽ gửi một đội xét nghiệm lưu động tới Sierra Leone, nơi tính cho đến nay đã có hơn 500 người chết vì bệnh. Đội 59 người từ Trung tâm Phòng chống bệnh Trung quốc sẽ bao gồm các chuyên gia dịch tễ học, bác sĩ lâm sàng và y tá, và sẽ đưa số nhân viên y tế Trung Quốc có mặt tại nước này lên 174 người.
Châu Âu, Anh, Pháp, và Cuba cũng cam kết gửi các nhóm chuyên gia y tế và cứu trợ khác tới khu vực. Nhưng những điều này còn xa mới đáp ứng đủ nhu cầu, Joanne Liu, giảm đốc tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) cảnh báo rằng số ca bệnh Ebola được biết đến chỉ là “một phần nhỏ của con số thực sự,” và nhấn mạnh “công tác đối phó cơ bản vẫn hoàn toàn không đủ”.
Cánh cửa cơ hội đang khép lại
“Cánh cửa cơ hội kiềm chế dịch bệnh đang khép lại”, bà Joanne Liu phát biểu tại cuộc họp của các cơ quan LHQ, các nước thành viên và những nhà hoạt động khác tham gia trong cuộc chiến chống Ebola. Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO Bruce Aylward tán thành ý kiến này.
“Cuộc khủng hoảng y tế mà chúng ta đang phải đối mặt là chưa từng có trong thời hiện đại”, ông nói.
“Chúng tôi không biết con số sẽ tăng đến đâu”, ông cho biết. Hai tuần trước, khi WHO nói rằng cần năng lực để đối phó với 20.000 ca bệnh thì ‘nghe có vẻ nhiều’ nhưng đến hôm nay con số này không còn là nhiều nữa”, Aylward nói.
Ông nhấn mạnh rằng rất khó ước tính chính xác bao nhiêu người có thể mắc bệnh và tử vong trong những ngày tới. “Con số có thể được giữ ở mức hàng chục nghìn, nhưng công tác đối phó cần được đẩy nhanh hơn nhiều nếu muốn ngăn chặn sự leo thang của vi rút”.
Liu đồng thời cảnh báo rằng Ebola đang gây những ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với số người nhiễm bệnh. “Tuy đã có hàng nghìn người chết do Ebola, song số người chết do những bệnh có thể điều trị dễ dàng còn nhiều hơn do các trung tâm y tế bị tê liệt. Các nước có trách nhiệm chính trị và nhân đạo để chặn đứng thảm họa đang gia tăng này. Thời gian không đợi ai cả”.
Hôm qua WHO cho biết sẽ triệu tập lại hội nghị khẩn cấp ở Geneva, nơi đã tuyên bố dịch Ebola là tình trạng khẩn cấp về y tế quốc tế hồi tháng Tám, để xem xét thêm những biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Đồng thời Hội đồng Bảo an LHQ sẽ tổ chức phiên họp khẩn vào ngày mai để thảo luận các biện pháp đẩy mạnh đáp ứng toàn cầu đối với dịch.
Vi rút Ebola có thể khiến bệnh nhân ngã bệnh sau vài ngày, gây sốt cao, đau cơ dữ dội, yếu mệt, nôn và tiêu chảy - ở một số trường hợp bệnh gây suy các tạng và xuất huyết không cầm. Hiện chưa có vắc xin hay thuốc chính thức để điều trị, nhưng các chuyên gia đang xem xét qui trình nhanh cho 2 vắc xin và 8 thuốc điều trị, bao gồm thuốc ZMapp.
Cẩm Tú
Theo Channelnewsasia