39 ngư dân VN bị Brunei bắt: "Họ nhốt 10 người một phòng"
Dù trời nắng như đổ lửa, nhưng lúc này có 4 phụ nữ là vợ của các thuyền viên trên tàu cũng đến nhà anh Viễn để chờ trông tin tức của người thân. Chị Huỳnh Thị Trang (38 tuổi, vợ anh Viễn) nước mắt ngắn dài cho biết: “Anh Viễn vừa mới điện về vào lúc 10 giờ 30 phút từ số điện thoại nói là của Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei, nhưng nói chưa đầy một phút rồi đầu dây bên kia tắt máy mất. Trong điện thoại, anh Viễn nói rằng hiện sức khỏe vẫn ổn định. Họ nhốt 10 người chung một phòng, không biết các anh, em bạn ở các phòng nhốt khác tình hình sức khỏe ra sao nữa. Nghe nói đâu toàn bộ vật dụng và tàu bị tịch thu hết rồi".
Chị Trang cho biết thêm: "Cuộc điện thoại vào lúc 20 giờ tối 9/6, anh Viễn điện về cũng từ số điện thoại của Đại sứ quán nói là tàu bị bắt. Họ cho ăn uống đầy đủ, không bị đánh đập, nghe nói đâu họ ra hiệu đòi từ 400 đến 500 triệu đồng tiền chuộc, nhưng phải chờ tòa án xét xử xong kia…”.
Chị Huỳnh Thị Trang (áo vàng) vợ anh Viễn cùng vợ của các ngư dân trên tàu ngày đêm lo lắng cho chồng từ khi tàu bị bắt giữ đến nay.
Lau nước mắt, chị Trang giãi bày: Tàu câu mực này được gia đình chị vay mượn khắp nơi và ngân hàng để đóng tàu vào năm 2010 với vốn là 2,5 tỷ đồng, tổng công suất 655CV. Chuyến biển đầu năm 2014 tàu đánh bắt được 28 tấn mực, chia hết cho anh em bạn bè, gia đình còn lãi 200 triệu đồng. Đây là chuyến biển thứ 2 trong năm. Tàu ra khơi vào sáng 9/5 cùng với 39 người, dự kiến hơn hai tháng đánh bắt mới trở về lại đất liền, nhưng mới một tháng hành nghề đã bị nước bạn bắt giữ vì họ cho rằng tàu xâm phạm vào lãnh thổ của họ. Trên tàu, ngoài các anh em bạn bè ra, trong gia đình có tất cả 7 anh em đi cùng. Mấy hôm nay sau khi nhận thông tin tàu bị bắt giữ, chị Trang cùng 3 con nhỏ mất ăn, mất ngủ, vì lo lắng cho tất cả mọi người và tài sản trên tàu.
"Nếu có thêm thông tin về tàu cùng với các ngư dân thì cũng bớt lo lắng hơn, còn đằng này anh điện về cũng chỉ nói được vài câu rồi tắt máy mất. Nghe nói đâu, chờ tòa án xét xử rồi nộp phạt mới được thả tự do về nước, không biết chừng nào tòa án xử đây nữa. Nếu họ đòi 500 triệu tiền chuộc, thì lấy đâu ra tiền để chuộc tàu cùng 39 ngư dân về đây, trong khi hiện gia đình vẫn còn nợ ngân hàng hơn 800 triệu đồng tiền đóng tàu chưa trả. Nếu vay mượn không được nữa, chắc tôi cũng phải bán căn nhà này để chuộc tàu cùng người về…” - chị Trang khóc ngất.
Ông Phạm Văn Châu - Phó chủ tịch xã Tam Giang đến nhà thăm hỏi động viên gia đình chị Trang
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, chị Phạm Thị Tuấn - vợ của thuyền viên Phan Bá Tám giãi bày trong nước mắt: "Từ khi nhận tin tàu anh Viễn bị bắt giữ, trong đó có chồng tôi nữa, ngày nào tôi cũng đến nhà chị Trang xem tình hình như thế nào, nhưng điện thoại bên kia gọi về cũng chỉ nói được vài câu, chứ không gặp được trực tiếp anh Tám để hỏi thăm sức khỏe ở bên đó thế nào, có bị đánh đập không, họ cho ăn uống có đủ không. Làm ăn chẳng được bao nhiêu, giơ bị bắt lấy tiền đâu ra chuộc chồng về. Chúng tôi chủ yếu sống vào nghề biển, mong sao tàu cùng với anh em sớm được thả tự do về với gia đình…".
Cùng với phóng viên Dân Việt đến thăm hỏi động viên gia đình anh Viễn, ông Phạm Văn Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam cho biết: “Mấy hôm nay anh em ở xã liên tục đến nhà anh Viễn để hỏi thăm tình hình, nếu có thông tin gì từ anh Viễn điện về thì gia đình nhớ báo ngay cho chính quyền địa phương để báo cáo lên cấp trên. Ngay sau khi tàu anh Viễn bị phía Brunei bắt giữ hôm 8/6, đúng ngày Chủ nhật nên xã đã điện thoại báo cáo trực tiếp lên lãnh đạo huyện Núi Thành để can thiệp, sau đó có văn bản gửi cho các ngành chức năng của huyện và tỉnh nhằm kêu gọi cấp trên và Bộ Ngoại giao can thiệp với nước bạn Brunei sớm thả các ngư dân cùng tàu về để tiếp tục sản xuất. Đến nay, xã Tam Giang có tất cả 35 chiếc tàu câu mực khơi công suất lớn. Đây cũng là lần đầu tiên tàu câu mực của địa phương bị nước bạn bắt giữ…”